Cốm Mễ Trì là đặc sản không riêng gì của làng Mễ Trì mà còn là đặc sản của đất Hà thành. Làm cốm ở Mễ Trì không chỉ là nghề mà còn là cách để người dân trong làng giữ gìn truyền thống cha ông để lại.
Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì, Hà Nội đến nay có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Trong làng có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) đều có nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm truyền thống.
Thời điểm này hằng năm, nhu cầu mua cốm và các sản phẩm từ cốm để thưởng thức, biếu, tặng ngày một tăng cao, vì vậy, những gia đình sản xuất cốm ở làng Mễ Trì đều tất bật nhộp nhịp để tạo ra những sản phẩm cốm phục vụ khách hàng.
Năm nay, do dịch Covid-19, làng cốm phải tạm dừng sản xuất trong 2 tháng. Bây giờ khi được nới lỏng giãn cách làng nghề cốm Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp, tiếng máy xát gạo, tiếng chày giã cốm rộn ràng trở lại.
Sản phẩm từ cốm cũng đa dạng, phong phú theo thị hiếu người tiêu dùng chứ không đơn thuần chỉ có cốm như trước đây. Như chả cốm, xôi cốm, giò cốm, bánh cốm… Cốm Mễ Trì cũng được bán ra nước ngoài tiêu thụ.
Cốm Mễ Trì là cốm mộc, không pha màu; ăn thấy cảm giác thơm ngon, mềm dẻo, bùi. Các công đoạn để làm ra được hạt cốm khá cầu kỳ, có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, lúa nếp tan, lúa nếp quýt, lúa nếp cái hoa vàng…
Để có một mẻ cốm ngon, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế. Quá trình làm cốm bắt đầu bằng việc đi thu hoạch hay thu mua lúa non về, ngồi nhặt rồi tuốt ra bằng máy.
Sau đó, những hạt lúa cho vào thùng to đãi, bao nhiêu hạt chắc, mẩy thì vớt ra để ráo nước, nhóm lò củi cho vào chảo rang.
Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Sau đó là rang cốm trên bếp gang, sàng sảy và cho vào giã để cốm dẻo, đóng túi và mang ra thị trường. Thời gian rang cốm vào khoảng hơn 2 giờ đồng hồ mới được một mẻ.
Rang cốm là một nghệ thuật, rang sao cho hạt thóc đạt độ dẻo, dai. Phải điều chỉnh lửa sao cho vừa để hạt thóc vừa đẹp lại vừa không bị sống, không bị vụn.
Chủ một cơ sở sản xuất ở Mễ Trì chia sẻ: “Để làm ra những hạt cốm ngon dẻo thơm, nguyên liệu thóc phải chọn giống lúa non là nếp cái hoa vàng. Rang bằng bếp củi nên phải điều chỉnh sao cho lửa vừa để hạt thóc vừa đẹp lại vừa không bị sống, không bị vụn, hạt thóc đạt độ dẻo và dai".
Theo đó, trước kia người dân chủ yếu làm cốm thủ công nên có khá nhiều công đoạn, cần nhiều người tham gia. Ngày nay làm chủ yếu bằng máy móc hiện đại như dùng máy rang, máy xay, máy giã, máy vo gạo…tiết kiệm được công sức và thời gian cho người dân khá nhiều mà sản phẩm vẫn thơm ngon đảm bảo chất lượng.