Top 9 những mô hình kinh doanh gây ấn tượng mạnh trong Shark Tank mùa 4

Trải qua 4 mùa giải, Shark Tank Việt Nam gây ấn tượng mạnh với khán giả cũng như các startup với nhiều mô hình kinh doanh thú vị trên sóng truyền hình. Mô hình sản xuất muối chấm Dh Foods của ông chủ Việt Kiều giành điểm cao nhất.

Mô hình kinh doanh được đánh giá cao

1. Dh Foods

Lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Founder của Dh Foods, đơn vị chuyên sản xuất gia vị cho biết bản thân đã có nhiều năm sống ở nước ngoài và khi đó, để tìm được các sản phẩm đặc sản Việt Nam như cà pháo, nước mắm thì không hề dễ.

Ông chia sẻ trên kệ hàng của siêu thị ở Ba Lan, Cộng hòa Séc có rất nhiều gia vị đặc sản Thái Lan, Nhật Bản nhưng Việt Nam thì không có. Vì nhớ hương vị Việt nên ông Dũng từng phải đi hàng trăm km đến cộng đồng người Việt mới mua được. Đó là một động lực thôi thúc ông khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Dũng đến Shark Tank Việt Nam gọi 12 tỷ đồng cho 3% cổ phần. Sau cùng, do đưa ra mức định giá 12 tỷ đồng cho 5%, tương đương 1% mỗi nhà đầu tư nên các Shark đều không đồng ý và từ chối đầu tư.

Dh Foods trên sóng Shark Tank

2. Nobita Pro

Tập 11 Shark Tank Việt Nam chứng kiến màn gọi vốn của startup Nobita.pro từ hai founder Nguyễn Kim Cương và Chu Đức. Điều thú vị là Chu Đức từng làm việc tại Peace Soft (một công ty công nghệ của Shark Bình, tiền thân của NextTech).

Mang tên gọi Nobita, giải pháp công nghệ này mang tính chất hỗ trợ vận hành bán hàng online. Nobita giúp các nhà kinh doanh trực tuyến tối ưu hoá chi phí marketing, tích hợp đa nền tảng.

Từ việc marketing, hệ thống sẽ tiếp nhận được các lead (khách hàng tiềm năng). Đến đây, Nobita giúp các doanh nghiệp quản lý lead và biến lead thành đơn hàng thực tế thông qua khả năng tối ưu lead và quản lý call center theo nguyên tắc không bỏ lỡ bất kỳ một lead nào.

Nobia sau cùng đã đồng ý đề nghị Shark Bình đầu tư 400.000 USD cho 15% cổ phần và Shark Phú đầu tư 100.000 USD là khoản vay chuyển đổi với chiết khẩu 25% so với định giá vòng sau.

Chu Đức từng làm việc tại Peace Soft.

3. Cuccu

CEO Founder Cuccu.vn Đỗ Xuân Thắng tới Shark Tank Việt Nam gọi vốn 3 tỷ đồng cho 8% cổ phần.

Ông Thắng hi vọng Cuccu sẽ chiếm được khoảng 1 triệu đơn hàng trong số 60 triệu đơn hàng online mà các đơn vị giao hàng mang đi. Mục tiêu của Cuccu là giúp các cộng tác viên kiếm được 10 triệu thu nhập mỗi tháng, điều đó có nghĩa là mỗi tháng Cuccu có thể giúp giữ lại cho Việt Nam 1.000 tỷ đồng, thay vì để số tiền đó chảy ra nước ngoài thì Cuccu muốn nó rơi vào túi của người dân Việt Nam.

Kết thúc chương trình, startup Cuccu.vn đã đồng ý với lời đề nghị 3 tỷ đồng cho 12% cổ phần của Shark Liên.

Cuccu.vn từng có màn bán hàng livestream trên sóng Shark Tank.

Mô hình kinh doanh có yếu tố nhân văn

1. Vulcan Augmetics

Rafael Masters và Trịnh Khánh Hạ mang đến cho "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" mùa 4 startup Vulcan Augmetics chuyên sản xuất các module chân, tay giả giá thành thấp dành cho người khuyết tật.

Thực tế, Vulcan Augmetics không phải một cái tên quá lạ lẫm trong làng startup Việt. Công ty này từng là quán quân cuộc thi The Blue Venture Award và cũng đạt từng lọt đến top 10 cuộc thi startup mang tầm cỡ quốc tế The Venture 2019.

Shark Liên là người duy nhất đưa ra lời đề nghị cho mô hình này. Startup sau cùng đã gật đầu với lời đề nghị của Shark Liên trên sóng truyền.

Vulcan Augmetics đem đến giải pháp cho người khuyết tật.

2. Dầu lạc Tâm Trường Sinh

Ông Đỗ Hồng Quân, founder và CEO CTCP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam đã kêu gọi khoản đầu tư trị giá 10 tỷ đồng cho 15% cổ phần Dầu lạc Tâm Trường Sinh trên sóng Shark Tank Việt Nam.

Trên sóng truyền hình, ông Quân chia sẻ rằng mô hình của mình không chỉ làm kinh doanh mà còn tạo ra công ăn việc làm, giúp đỡ bà con nông dân.

Cho rằng sản phẩm mang nhiều ý nghĩa, Shark Liên và Shark Phú đã đưa ra hai lời đề nghị cho startup. Cuối cùng, ông Quân đồng ý với lời đề nghị đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần với sự tham gia của cả hai "cá mập".

Dầu lạc Tâm Trường Sinh là một sản phẩm hướng nhiều về người nông dân.

3. Equo

Equo, một startup bán ống hút thiên nhiên có thể phân hủy sinh học, đã lên sóng Shark Tank để gọi vốn 200.00 USD cho 10% cổ phần. Bà Marina Trần Vũ, Nhà sáng lập kiêm CEO Equo, chia sẻ về hành trình đi du lịch khắp thế giới và nhận ra vấn đề rác thải nhựa ngày càng bất cập. Đó là lý do bà Marina quyết định thành lập doanh nghiệp và tạo ra những sản phẩm thay thế cho nhựa dùng một lần.

Marina và các cộng sự đã giới thiệu một số dòng sản phẩm của công ty cho các nhà đầu tư, như bút chì có thể trồng được, tức sau khi sử dụng chiếc bút, người dùng có thể cắm chúng vào đất, từ đó mọc lên cây. Một ví dụ khác là các bộ dao, muỗng, nĩa làm từ bã mía, phù hợp sử dụng cho các nhà hàng.

Kết thúc chương trình, Shark Việt là người chốt deal với Equo với lời đề nghị 200.000 USD cho 40% cổ phần.

Equo đã chốt deal với Shark Việt.

Màn thuyết trình và thương thuyết ấn tượng, được khán giả yêu thích

1. Vua Cua

Vua Cua là startup mở hàng cho Shark Tank Việt Nam mùa 4. Đây là một thương hiệu F&B chuyên về cua vốn đã có tiếng ở TP HCM. Trên sóng chương trình, nhà sáng lập kiêm CEO – Đoàn Thị Anh Thư và ca sĩ Will – cổ đông đã kêu gọi 3,5 tỷ đồng cho 4%.

"Vua Cua là cuộc sống, ước mơ, niềm khao khát của em. Sau này, em muốn Việt Nam giới thiệu đặc sản với thế giới, sẽ là món cua sốt trứng muối", founder Đoàn Thị Anh Thư chia sẻ trên sóng Shark Tank. Kế thúc chương trình, Vua Cua đã đồng ý với lời đề nghị đầu tư 3,5 tỷ đồng cho 10% của Shark Liên.

Ca sĩ Will cũng lên sóng Shark Tank.

2. Namaste

Trong tập 10 chương trình Shark Tank mùa 4, anh Lê Quang Duy, CEO Công ty cổ phần và đầu tư Namaste, nơi chuyên cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển (Seawalker) tại Phú Quốc đã đem đến mô hình kinh doanh đặc biệt tại Việt Nam.

Thời điểm thay đổi cuộc đời ông Duy đến vào năm 2012, thời điểm ông gặp phải tan nạn đuối nước dù là một người bơi rất giỏi. Trong khoảng 4 năm sau đó, anh không dám đến gần mặt biển. Năm 2016, anh Duy đã quyết tâm đi học lặn để trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp.

Theo chia sẻ, ông Duy cho biết mục đích tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam không phải là tiền, mà muốn tìm một Shark để đồng hành trên con đường tái tạo lại các rạn san hô.

Ông Lê Quang Duy cũng là một trong những người hiếm hoi từ chối hàng loạt lời đề nghị triệu USD của các "cá mập" trên sóng Shark Tank Việt Nam.

Namaste đã từ chối những lời đề nghị trị giá triệu USD của các Shark.

3. Lock-cuff

Là nhà sáng lập đến từ nước ngoài tham gia Shark Tank - Thương vụ Bạc tỷ mùa 4, ông Robert Horwath, CEO Lock Cuff mang đến sản phẩm khóa phanh tay xe máy chống trộm - Cager Lock, tự tin Made in Việt Nam 100%, dù người phát minh đến từ Mỹ.

Ông Robert Horwath là một trong số những founder nước ngoài lên sóng trong mùa 4.

Chia sẻ câu chuyện của mình, CEO Robert cho biết ông đã sống ở Việt Nam 6 năm và nhận thấy ở thị trường có hai loại khóa xe máy chính là khóa đĩa và khóa chữ U. Ông nhận ra điểm bất tiện của hai loại kể trên khi đặt dưới bánh và khiến phụ nữ gặp khó khi phải ngồi xuống mở khóa, chưa kể những vết bẩn sẽ bám vào, vì thế ông đã dành 4 năm để nghiên cứu và phát triển sản phẩm khóa phanh tay.

Shark Bình, Shark Phú và Shark Liên là ba người đưa ra lời đề nghị đầu tư cho ông Robert Horwath. Cuối cùng, Lock Cuff quyết định chấp nhận đề nghị đầu tư từ Chủ tịch Sunhouse, Shark Nguyễn Xuân Phú.

Đánh giá:  
3.7 / 5  (3 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật