Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chi ra 611 triệu USD để nhập khẩu 1.318.330 tấn đường, cao hơn 30% so với cùng kỳ 2020 và tăng gần gấp hai lần so với đường sản xuất từ mía ở trong nước niên vụ 2020 - 2021, đường mía sản xuất trong nước chỉ đạt 689.830 tấn.
Nguồn đường nhập khẩu tăng mạnh, trong khi nhu cầu đường cho tiêu dùng trực tiếp và sản xuất đã giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 và thời tiết mưa nhiều, dẫn đến giá đường trong tháng 10 đã giảm nhiều so với tháng 9.
Nguồn cung đường ở thị trường Việt Nam hiện đến từ nguồn nhập khẩu chính ngạch, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 97.000 tấn đường năm 2021, ngoài ra cuối tháng 11 sẽ bắt đầu có đường từ vụ ép 2021 - 2022.
Như vậy nguồn cung đường đang dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt trong tháng 11/2021 và các tháng kế tiếp. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
Do giá đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây cộng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao, giá đường trong nước sẽ tiệm cận với giá đường trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.