Vì sao cá sủ vàng lại có giá đắt đỏ như vậy?
Cá Sủ vàng (tên khoa học là Otolithoides biauritus), còn gọi là cá sủ vây vàng, là loại cá lớn nhất trong họ cá sủ, thuộc bộ cá vược (họ Sciaenidae), phân bố ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc, Việt Nam.
TS. Nguyễn Việt Thắng - Nguyên Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, loài cá này phân bố rải rải từ vùng biển miền Bắc đến miền Nam Việt Nam. Các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An cũng xuất hiện loài cá này. Cá sủ vàng giờ không còn nhiều, thi thoảng mới xuất hiện, đây là loài cá đặc biệt quý và hiếm.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về các loài cá cho biết, cá sủ vàng mõm nhọn, miệng rộng, màu vàng nghệ, hàm dưới kéo dài tới dưới sau hốc mắt, răng khỏe, vây lưng dài. Loài cá này sinh sống ở biển, nhưng vào mùa sinh sản (tháng 1 - 4 và 9 - 10 âm lịch) nó sẽ bơi đến các vùng cửa sông nước lợ để đẻ. Cá con sẽ bơi vào vùng nước ngọt sâu trong đất liền sinh sống, sau 1 - 2 năm sẽ tự trở về với biển, lúc đó nó đã khoảng 10kg, kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120kg, chiều dài tối đa có thể đạt được là 160cm.
Cá Sủ có thức ăn chính là các loài động vật không xương sống và các loài cá con sống ở tầng đáy của môi trường nước. Chúng rất khó phát triển trong môi trường nhân tạo, vậy nên việc nuôi loài cá này làm cảnh hoặc bảo tồn là điều cực kỳ khó khăn.
Lý giải về sự đắt đỏ của cá sủ vàng, TS Nguyễn Việt Thắng cho biết, bộ phận bóng cá là quý nhất, được sử dụng để làm chỉ khâu tự tiêu trong phẫu thuật. Cá có trọng lượng 40 - 50kg thì bóng đạt khoảng 1kg tươi. Giá trị kinh tế của loài cá này đặc biệt cao, ngày nay thương lái săn lùng được cá giá có thể bán lên đến hàng tỉ đồng tùy theo trọng lượng.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Khắc Bát - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản cho rằng, bóng hơi của nó để sản xuất chỉ khâu có khả năng tự tiêu sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm. Chỉ tự tiêu làm từ bong bóng cá sủ vàng được y học các nước phát triển sử dụng rất hữu hiệu.
Về dinh dưỡng của cá sủ vàng, TS Đức Minh (Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Thực phẩm) cho biết, thịt cá sủ vàng ăn tươi cũng có mùi vị thơm ngon, bóng cá phơi khô là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong bong bóng của Cá Sủ vàng, cứ 500 gram thì chứa 442 gram đạm. Do đó, ăn nó giúp đại bổ chân nguyên, hoạt huyết tráng dương, bổ sung chất cho cơ thể suy nhược, thiếu máu. Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh mà được ăn thịt cá sủ vàng sẽ giúp cơ thể bổ sung nhiều dinh dưỡng.
Các món ăn độc đáo chế biến từ thịt cá sủ vàng nằm trong tốp 10 món ăn ưa thích nhất của người Hồng Kông, thuộc loại đắt nhất thế giới. Người Trung Quốc cho rằng, ăn cá sủ vàng sẽ có nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.
Phân biệt cá sủ vàng và cá sủ thường
Cá sủ vàng và cá sủ thông thường có ngoại hình tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở một số điểm nhỏ trên cơ thể. Để có thể phân biệt được 2 loại này với nhau các bạn cần phải quan sát thật kỹ.
Cá sủ vàng có kích thước lớn hơn hẳn so với giống cá sủ thường. Cá sủ vàng trưởng thành có cân nặng trong khoảng 100 – 130kg, cá sủ thường trưởng thành chỉ nặng khoảng 2kg – 5kg hoặc 9kg.
Cá sủ vàng có phần vảy thân màu vàng, đầu và lưng dòng cá này có màu xám xanh hoặc là màu xám bạc (điều này phụ thuộc vào cùng nước mà chúng sinh sống).
Phần miệng của cá sủ vàng có màu vàng nghệ, hàm dưới của chúng kéo dài đến tận phần hốc mắt, răng rất chắc – sắc cùng với đó là phần vây lưng rất dài.
Cá sủ vàng khi chết, màu trên thân của chúng sẽ chuyển từ màu vàng nhạt sang vàng thẫm (khi mua cá sủ vàng cũng cần để ý đến độ đậm nhạt của màu sắc cá).
Cá sủ thường cũng có màu vàng nhưng rất nhạt chỉ là màu ánh, và phần vây của chúng có màu đỏ hồng, phần miệng có màu trắng bợt, phần bụng có màu vàng nhạt và phần đuôi có chấm đen.