Những người có kinh nghiệm về hải sản lâu năm cho biết, sứa đỏ khá là hiếm và có giá trị dinh dưỡng rất cao, ăn rất bổ. Bởi vì hiếm nên sứa đỏ có giá khá mắc. Cho nên, khi ngư dân bắt được sứa đỏ thì thường sẽ ngâm muối thật mặn để sứa có thể giữ và để được lâu hơn. Còn để có sứa còn bơi tung tăng thì tìm khó lắm.
Vị của sứa đỏ nó không khác sứa trắng là mấy, vì bản chất sứa nó khá nhạt và chỉ khác về giá trị dinh dưỡng thôi. Để ăn sứa đỏ này, bạn phải ngâm 6-8 tiếng và thay nước vài lần để cho sứa nhạt đi, vì nó được ngâm muối mặn lắm. Nhưng món sứa đỏ ngon là ở gia vị ăn kèm là chính. Với các vùng khác ăn sứa với mắm tôm, giấm bỗng, nhưng tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá lại ăn sứa với sốt Chẻo. Chẻo này được làm nên từ rất nhiều gia vị thơm ngon. Đặc biệt, để tạo độ sánh là có bánh đa xay trộn vào. Ăn với sứa hợp vô cùng.
Để có món sứa ngon, bạn phải ăn kèm với chẻo cùng các loại rau sống như lá sung, lá lộc vừng, kinh giới, tía tô, hẹ, mùi, các loại húng, mơ lông và các loại gia vị khác như ớt, hành khô thái, riềng, dứa tạo nên hương vị cực ngon và lôi cuốn.
Miếng sứa đỏ trong, nần nẫn, ăn mềm tan như miếng thạch vậy.
Nếu ai có dịp về Thanh Hóa, nếu không có sứa đỏ, vẫn còn sứa trắng, đều ăn với Chẻo rất đặc biệt và sẽ tạo dấu ấn khó phai. Sứa ở Thanh Hóa rất nhiều, ở các siêu thị lớn, những gói chân sứa, thịt sứa cũng được bày bán rất nhiều.
Sứa có rất nhiều ở các vùng biển tại Việt Nam. Sứa có thể làm được rất nhiều món như ăn sống hay làm gỏi. Tại Đà Nẵng, đến mùa sứa dạt vào bờ, người dân khi đi tắm biển thường hay nhặt về làm gỏi sứa tươi hoặc ngâm muối. Sứa ngâm qua nước với lá ổi, làm sạch rồi trộn chuối chát, rau thơm, đậu phộng, mắm muối rồi xúc bánh tráng.