Từ lâu nay, hồng treo gió là loại đồ ăn được nhiều người yêu thích. Hồng treo gió thực chất là loại hồng ngâm vỏ còn cứng chưa chín và được treo lên và hong khô tự nhiên nhờ gió và nắng. Vì làm khô nhẹ nên hồng giữ được độ mềm ẩm nhất đinh, ăn sẽ thơm ngọt và khác hẳn với loại hồng sấy khô bằng các phương pháp khác.
Hiện nay, Đà Lạt là nơi rất nổi tiếng với món hồng này. Cũng bởi hợp điều kiện khí hậu, người dân Đà Lạt cứ đến tháng này đều làm hồng treo gió tại nhà. Món hồng treo gió này thực ra rất dễ làm nếu bạn thực hiện theo 1 vài công thức sau.
Bạn có thể ủ hồng hoặc treo gió đều rất ngon. Để ủ hồng thì khi mua hồng bạn phải lựa quả còn cứng, quả xanh vàng ủ sẽ giòn ngon hơn. Bạn cắt sát cuống, không cho quả dính nước, phải lau khô ráo. Xếp quả vào túi nylon, xen kẻ lớp hồng lớp giấy báo, rồi cột kín chặt, ủ trong túi nylon để chín tự nhiên trong 7-10 ngày sẽ hết chát mà vẫn giòn ngọt đậm đà.
Trong thời gian ủ, tuyệt đối không mở ra thăm chừng, sẽ làm thoát hơi và mất đi tác dụng ủ hơi. Sau đó bảo quản trong tủ mát ăn dần rất ngon.
Còn với hồng treo gió, cách làm cũng khá đơn giản. Bạn chọn quả hồng màu cam đậm nhưng vẫn còn cứng còn cuống để cột treo, nên chọn loại hồng trứng Đà Lạt khi treo sẽ lên màu cam đẹp hơn. Gọt vỏ rồi cho ngay vào thau nước muối pha loãng trong 15 phút cho hồng đẹp màu.
Sau đó vớt ra nhúng sơ vào rượu trắng có độ cồn cao. Bạn làm thế này để cho hồng không bị mốc hay ruồi muỗi bu vào lúc treo gió. Bạn cột dây vào cuống, treo hồng. Nên chọn ngày nắng ráo không quá gắt, không có mưa thì mới thành công. Chỉ tầm 15-20 ngày bạn sẽ đạt thành quả hồng treo gió dẻo tươm mật. Bạn có thể bảo quản hồng treo gió trong ngăn đá được 6 tháng.
Theo quy trình lên men tự nhiên, lớp bề mặt trái hồng treo sẽ lên một lớp men hồng, lớp men màu trắng đó chính là lớp men đường fructose tự nhiên trong trái hồng bao phủ lên bề mặt. Hiện tượng lên phấn trắng tự nhiên không phải mốc như một số người lầm tưởng.
(Nguồn: Facebool Viet Anh Hoang)