Bật mí cách làm hồng treo gió chuẩn quy trình Nhật Bản

Mùa thu đang đến với nhiều nước trên thế giới. Tại Nhật Bản, nếu có dịp đến đây vào mùa thu, bạn sẽ rât bất ngờ với những cây hồng sai trĩu quả vô cùng đẹp mắt. Người Nhật Bản coi quả hồng là sản vật quốc gia. Vì thế, món hồng treo gió tại Nhật Bản cũng rất được ưa chuộng.   

Mùa Thu ở Nhật Bản khí trời mát mát và cũng là lúc mùa trái hồng giòn giòn ngọt ngọt ngon nhất. Hồng của Nhật Bản không chỉ ngon, ngọt mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ăn, món tráng miệng khác nhau như hồng khô treo gió, dùng làm trà hay wagashi.

Chị Vương là người Việt, sinh sống tại Nagoya-shi, Aichi, Nhật Bản rất thích đi chơi ở ngoại ô tỉnh Gifu. Dọc đường đi chị thấy có nhiều nông dân Nhật Bản tự trồng rồi tự hái và bán hồng tại vườn luôn. Vì mua tại vườn nên giá thành cũng rẻ hơn rất nhiều so với siêu thị, khoảng 200.000 vnđ cho 40 quả hồng.

Cả 1 hộp hồng 35 quả dạng to vừa không quá to không quá nhỏ là khoảng 800¥ gần 200.000 vnđ.

Mùa hồng là mùa nhà nhà cùng làm hồng treo gió, đi ngang nhà nào có hồng đang phơi. Sau khi được phơi dưới ánh nắng, những trái hồng trở nên ngọt, đậm vị hơn, vị chát ban đầu cũng sẽ không còn nữa.

Theo chị Vương, muốn làm hồng treo gió Nhật Bản, cần phải chọn trái còn cứng, cuống còn khoẻ. Ngoài ra cần có 1 hộp rượu sochu 25 độ tầm 500ml đủ cho 14 quả. Các bạn có thể thay bằng rượu trắng tầm 25-30 độ cũng được. Vì rượu 25 độ sẽ không làm mốc trái hồng khi phơi.

Hồng được ngâm trong rượu sochu 25 độ trong 6 phút. Sau khi được luộc với nước sôi khoảng 5 giây rồi vớt ra.

Trái hồng rửa sạch với nước, để ráo sau đó mang gọt vỏ nhưng nhớ chừa cuống lại. Sau đó chị Vương nấu khoảng 1.5 lít nước, nấu sôi nước lên rồi bỏ trái hồng vô luộc khoảng 5 giây vớt ra ngâm với rượu sochu 25 độ khoảng 6 phút. 

Sau khi ngâm trái hồng được 6 phút, vớt ra rồi bỏ hồng vào túi lưới. Phần rượu ngâm này chị không đổ bỏ đi mà giữ lại đổ vào bình xịt. Các bạn có thể cột dây xung quanh cuống hồng, hoặc bỏ vào túi lưới cho an toàn.

Sau khi ngâm thì vớt hồng ra rồi bỏ vào túi lưới.

Chị Vương cũng chuẩn bị dây nilon có chiều dài 1m, cột 2 quả hồng ở 2 đầu dây vì ở Nhật Bản gió hơi bị mạnh, ở Việt Nam các bạn có thể treo 1 dây 3-5 quả cũng được.

Sau đó chị phơi hồng lên sào hoặc giá đỡ nơi tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời và khoảng cách giữa mỗi dây khoảng 10-15cm để trái hồng hấp thụ được nắng và gió tốt hơn. Phơi hồng lên rồi, chị Vương dùng rượu đã ngâm hồng lúc nãy xịt lên đều các mặt của trái hồng rồi xoa đều.

Mỗi ngày sau đó, chị đều xịt rượu đều các mặt rồi xoa từ 10-20 giây cho 1 quả, lần lượt làm đủ với các quả. Với trái nhỏ thì phơi tầm 7 ngày là ăn được, với trái hồng lớn hơn thì phơi 10 ngày. Thành phẩm cứ để ngăn mát tủ lạnh ăn dần, ngăn mát giữ được hồng trong 5-7 ngày.

Tại Nhật bản, trong các buổi trà đạo, hồng treo gió là món không thể thiếu. Quả hồng ngọt, dẻo uống cùng trà quả thực vô cùng xứng hợp. Bởi làm kì công nên giá cả của món hồng này không hề rẻ. Ngoài Nhật Bản, hiện các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đều có món hồng này. Thậm chí hiện nay 1 số vùng của Việt Nam như Đà Lạt và Mộc Châu cũng áp dụng công nghệ treo gió Nhật Bản cho quả hồng cho ra thành phẩm rất ngon và giá thành phải chăng. 

(Nguồn: Facebook Mycam Vuong)

Đánh giá:  
2.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật