Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nhâm Dần 2022, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng chục ngàn tấn hàng hóa với giá bình ổn để phân phối ra các khu vực.
Trong đó, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp cùng các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị 54.000 tấn hàng hóa các loại phục vụ tiêu dùng của người dân. Bao gồm những mặt hàng thiết yếu như: thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau củ quả, gạo các loại, bánh, mứt kẹo…
Các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Kiên Giang đều cam kết đảm bảo tiến độ sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng đầy đủ theo kế hoạch, không để thị trường khan hiếm hàng hóa.
Tại An Giang, các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch bán hàng bình ổn hiện từ ngày 1/12 đến hết ngày 7/2. Hiện đã có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết.
Tại Đồng Tháp, Sở Công thương đã lên kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất doanh nghiệp phải niêm yết giá và bán công khai.
Năm nay, một năm khó khăn do những tác động của dịch Covid-19, khiến người tiêu dùng giảm sức mua, siết chặt chi tiêu. Do đó, việc nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá có ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn có được một cái Tết đầy đủ, ấm no.
Hà Nội sẽ có hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết 2022
Tại Thủ đô đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng.
Các mặt hàng bình ổn được đưa tới hơn 20.000 điểm bán như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh, chợ truyền thống... Gồm: gạo 278.910 tấn; thịt lợn 57.780 tấn, thịt gà 18.594 tấn, thịt bò 16,050 tấn, trứng gia cầm 372 triệu quả, rau củ 309,900 tấn…
Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong công tác kết nối sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ra thị trường.