Theo số liệu thống kê, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường này đã tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý trong số đó không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà còn có cả các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Trong tổng số gần 80.000 doanh nghiệp này, có gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 27%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
TP.HCM là địa phương ghi nhận con số kỷ lục giai đoạn 2016-2021 về lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh với 12.071 đơn vị, chiếm 29,1% tổng số của cả nước.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); Xây dựng (5.491 doanh nghiệp, chiếm 13,6%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).
Sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng chục nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số này, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa do thực hiện giãn cách xã hội, do trong khu vực phong tỏa, có nhân viên mắc Covid-19,.... Với những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” thì hiệu suất cũng không cao do số lượng nhân viên giảm hoặc gặp những khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa,....
Chính những vấn đề này khiến cho nhiều doanh nghiệp phải “đau đầu” và buộc phải tạm ngừng hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Nhằm hỗ trợ và giảm tối đa số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp...
Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai thì những chính sách này mới có thể phát huy hiệu quả đối với mỗi doanh nghiệp.