Chủ quán ăn uống tại TP.HCM nói gì về việc chưa dám mở cửa dù được phép

Nhiều hàng quán ăn tại TP.HCM vẫn mở bán rất hạn chế do gặp nhiều khó khăn về người làm, nguyên liệu, shipper và sức mua. 

Trong ngày đầu được phép bán hàng mang về, các chủ quán, hệ thống ẩm thực vẫn mở bán rất hạn chế, có quán chưa dám mở cửa. Đến sáng hôm nay tình hình mở hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng cửa im ắng. Dạo quanh các app giao hàng online, nhiều tiệm còn để chế độ “tạm đóng cửa”, hoặc hẹn lại sau ngày 16/9. 

Chủ quán ăn uống tại TPHCM nói gì về việc chưa dám mở cửa dù được phép

Trao đổi nhanh với Food.com.vn, một số chủ quán ăn, cửa hàng chia sẻ những khó khăn và sự lo lắng về việc chưa mở cửa bán hàng trở lại dù đã được phép bán mang về. 

Nguyên nhân chủ yếu của việc này là do gặp nhiều khó khăn về người làm, nguyên liệu, shipper và sức mua khó cao như kỳ vọng, dẫn đến rủi ro cao. 

Tiệm cơm tấm Cù Lao trên đường Trần Khắc Chân (Phú Nhuận) vẫn "cửa đóng then cài" sau 2 tháng TP.HCM tạm ngưng dịch vụ bán hàng mang đi. 

Trao đổi nhanh, anh D. chủ tiệm chia sẻ: “Vẫn chưa sẵn sàng hoạt động trở lại do chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) vẫn còn đóng cửa khó tìm mua nguyên liệu. Hơn nữa, đội ngũ shipper còn khan hiếm, việc giao hàng gặp nhiều khó khăn, chưa kể chỉ được giao hàng trong cùng một quận sẽ có ít khách hàng". 

"Giá rau củ, nguyên liệu tươi sống đã tăng rất cao, nhập hàng về mà bán không hết là lỗ đậm. Trong khi chỉ được giao cùng quận, phải tốn tiền xét nghiệm thường xuyên gây nhiều ảnh hưởng” – Chị Phương chủ Quán bún bò số 13 (Diệp Minh Châu, Tân Phú). 

Trong khi đó, chị Thanh Phụng (Tân Phú) lo lắng rủi ro dịch bệnh vẫn còn. Theo chị: Việc bán lại đối mặt với rủi ro kinh tế cao, trong khi việc lây nhiễm COVID-19 có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho gia đình nên chị đang cân nhắc việc mở bán trở lại”. 

Ngoài ra, các chủ tiệm hiện đang chờ tìm mua được nguyên liệu ổn định hoặc gửi từ các tỉnh lân cận hoặc từ quê vào đảm bảo được giá thành thấp so với hiện nay.  Giá nguyên liệu tăng cao cộng với việc nhập hàng để buôn bán trở lại rất khó khăn nên tôi phải nhờ người thân ở dưới quê mua thịt, cá, rau củ... và vận chuyển bằng xe tải lên. Việc này sẽ mất chút thời gian nên chắc sang tuần tôi mới mở cửa được – Chủ một tiệm phở tại Bình Chánh cho biết. 

Chủ quán ăn uống tại TPHCM nói gì về việc chưa dám mở cửa dù được phép

Nhiều chủ quán cho biết vẫn đợi đến khi nào người dân được ra đường mua sắm mới dám mạnh dạn bán trở lại. Vì hiện nay tiền vận chuyển của shipper rất mắc, gần gấp 3,4 giá trị thực của món hàng. 

"Phí giao hàng shipper rất cao. Một tô bún giá 130.000 đồng thì hỏi bao nhiêu người sẽ ăn? Hiện tại trên các app tiền phí ship tính theo km rất cao, nên mua cũng e dè hơn hoặc chỉ mua 1 lần và không mua lại, bán kiểu này sẽ lỗ cao – Anh Phúc, chủ tiệm mì ở TP Thủ Đức, cho biết.

Tuy nhiên, hiện vẫn có một số ít cửa hàng kinh doanh ăn uống... cũng đã bắt đầu dọn dẹp để buôn bán sau nhiều tháng ngừng hoạt động. 

Tại khu trung tâm TP.HCM, "Tôi thuê mặt bằng trên đường Pasteur (quận 3, TP.HCM) với giá 45 triệu đồng/tháng. Từ khi hàng quán bị ngừng hoạt động thì gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do không còn nguồn thu nhập nhưng vẫn phải cầm cự đóng tiền nhà". Nghe tin được phép bán mang về tôi đã nhanh chóng chuẩn bị để mở cửa lại", ông Tuấn cho biết.  

Để được phép hoạt động trở lại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán theo hình thức bán hàng mang đi từ 6h đến 18h cùng ngày. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper. 

Đánh giá:  
5.0 / 5  (2 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật