Dừng sản xuất bánh trung thu vì dịch bệnh
Năm 2020, CTCP Tập đoàn Kido (KDC), trước đây là Kinh đô mới tái khởi động vụ trung thu đầu tiên vưới thương hiệu Kingdom, thì năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, đã tạm ngưng sản xuất dòng bánh này. Trong 5 công ty bánh kẹo niêm yết trên sàn chứng khoán có kinh doanh bánh trung thu, KDC là doanh nghiệp duy nhất quyết định gác lại kế hoạch mùa trăng rằm.
4 doanh nghiệp còn lại là CTCP Bibica (BBC), CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA), CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC), đều đã tung ra thị trường sản phẩm cho mùa bánh 2021. Ảnh hưởng vì dịch bệnh, giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đưa bánh trung thu lên sàn thương mại điện tử, điều ít thấy trước đây.
Năm 2020, KDC tái gia nhập thị trường bánh trung thu với thương hiệu Kingdom sau 5 năm vắng bóng. Năm 2014, KDC bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư nước ngoài - Mondelez International, và đến năm 2016 bán nốt 20% sở hữu còn lại cho Mondelez. Thương hiệu bánh kẹo vang bóng 1 thời trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Mùa trung thu đầu tiên trở lại thị trường, quý 3/2020, KDC ghi nhận doanh thu tăng 24,8 % so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.315 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 120 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2019. Mảng bánh trung thu tạo thêm nguồn thu cho KDC, bên cạnh đóng góp chính của mảng dầu ăn.
6 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của KDC đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 con số, lần lượt đạt 4.898 tỷ đồng và 278 tỷ đồng, hoàn thành 43% kế hoạch năm 2021. Mảng dầu ăn đóng góp tới 83% tổng doanh thu của KDC. Cũng do ảnh hưởng COVID-19, quý 2/2021, dự án liên doanh với Vinamilk và chuỗi cửa hàng bán lẻ của KDC đã hoàn thành nhưng chưa thể ra mắt. Dự kiến, các dự án sẽ ra mắt vào nửa cuối 2021. Ngoài ra, mảng thực phẩm của KDC chịu ảnh hưởng do giá nguyên liệu tăng cao (đường, bơ, bột mỳ).
Trên thị trường chứng khoán, KDC có thanh khoản cao nhất (trên dưới 2 triệu cổ phiếu/ phiên) so với 4 mã còn lại. BNA giữ vị trí thứ hai, khối lượng giao dịch quanh mức 200.000 cổ phiếu/ phiên. Còn lại, BBC thanh khoản khá thấp, HNF, HHC gần như không có giao dịch.
6 tháng chỉ hoàn thành 1% mục tiêu tiêu lợi nhuận năm
Từ đầu năm đến nay, Bảo Ngọc (BNA) là mã tăng giá mạnh nhất (+94%), kết phiên vừa qua ở mức 66.000 đồng/ cổ phiếu. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2021 đạt 63,5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm, BNA hoàn thành 49%. Ngày 25/8, BNA vừa thông qua hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng, để huy động vốn cho việc thuê đất, xây dựng nhà máy ở Đà Nẵng, mua máy móc và bổ sung vốn lưu động cho các hợp đồng mua nguyên vật liệu.
6 tháng đầu năm, Hữu Nghị (HNF) hoàn thành được 45% chỉ tiêu lợi nhuận, lãi ròng 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu này mất giá hơn 21% kể từ đầu năm, nhiều phiên không có thanh khoản. Đóng cửa phiên 27/8, HNF giữ giá 19.500 đồng/ cổ phiếu.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm BBC, HHC "đội sổ" trong danh sách trên. Bibica (BBC) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 100 tỷ đồng, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới đạt khoảng 7,6% mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, quý 2/2021, lợi nhuận sau thuế BBC chỉ vỏn vẹn 104 triệu đồng, thấp kỷ lục trong 10 năm qua. BBC có trụ sở chính tại TP HCM và thị trường chính và phần lớn nhà máy sản xuất ở các tỉnh phía Nam, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài.
Ngày 27/8 vừa qua là ngày giao dịch cuối cùng của BBC trên HNX, cổ phiếu này sẽ trở lại HoSE từ ngày 7/9. Cơ cấu cổ đông của BBC khá cô đặc, với tỷ lệ sở hữu hơn 94% thuộc về 2 cổ đông lớn (PAN và cổ đông ngoại là công ty con của Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc). Thanh khoản BBC ở mức thấp, chỉ trên dưới 1.000 cổ phiếu/ phiên, đóng cửa phiên gần nhất ở mức 62.000 đồng/ cổ phiếu, tăng 24% qua 1 năm.
Còn Hải Hà (HHC) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới thực hiện được 1%, đạt 119 triệu đồng. HHC giao dịch ảm đảm, nhiều phiên không có thanh khoản, thị giá mất hơn 25% kể từ đầu năm. Đóng cửa phiên vừa qua, HHC giữ giá 76.900 đồng/ cổ phiếu.
Theo Tiền Phong