Bánh chưng vuông truyền thống
Hầu như người Việt Nam nào cũng có thể kể vanh vách “Sự tích bánh chưng bánh giầy”, trong đó bánh chưng vuông tượng trưng cho mặt đất. Bên cạnh đó, bánh chưng vuông ngày Tết được gói bằng lá dong màu xanh, bên trong có gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… là những nguyên liệu có sẵn từ tự nhiên với ý nghĩa cảm ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Chuẩn bị nguyên liệu
Trong các chia sẻ về cách làm bánh chưng truyền thống, ông bà ta thường nhấn mạnh việc chuẩn bị nguyên liệu là rất cần thiết để hương vị bánh chưng tròn vị.
Nguyên liệu của bánh chưng bao gồm:
- Lá dong: Chọn loại không to, không nhỏ, không non, không già, màu lá xanh đậm và cuống lá nhỏ
- Lạt giang dẻo: Có độ dài từ 70 – 90cm, được chẻ và phơi khô trước khi gói bánh
- Gạo nếp: Ông bà ta thường chọn những hạt gạo mùa đẹp nhất, bóng bẩy nhất để dành gói bánh chưng Tết.
- Đỗ xanh: Nên chọn đỗ xanh đã tách vỏ để tiết kiệm thời gian tách vỏ và ngâm đỗ
- Thịt ba chỉ: Các thớ thịt ba chỉ tươi ngon nhất
- Gia vị gồm muối và hạt tiêu
Sơ chế nguyên liệu
Tất cả những nguyên liệu đã đề cập cần được sơ chế trước khi thực hiện 7 bước trong cách làm bánh chưng truyền thống.
- Gạo được ngâm mềm trong khoảng 2h đồng hồ, sau đó vớt lên vo kỹ, loại bỏ các hạt gạo không đủ tiêu chuẩn và xóc gạo với ít muối.
- Đỗ xanh ngâm nước khoảng 2 tiếng, đãi sạch và cho thêm ít muối trước khi hấp chín. Khi đỗ chính, bạn tán đỗ thật nhuyễn, cho 1 ít hạt tiêu đã chuẩn bị trước trộn đều và nắm lại thành những nắm tròn bằng nhau.
- Lá dong rửa sạch, dùng khăn lau khô và dùng kéo để cắt cuống lá
- Thịt ba chỉ rửa sạch, thái miếng to bản và ướp với hạt nêm, hạt tiêu, bột canh, muối
Cách làm bánh chưng truyền thống đơn giản
Khi nguyên liệu đã được sơ chế hoàn chỉnh, chúng ta sẽ bắt đầu gói bánh chưng. Cách làm bánh chưng truyền thống không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi độ chính xác để từng góc bánh vuông vắn, các loại nguyên liệu được sắp xếp hợp lý với nhau mang lại hương vị hoàn hảo cho mỗi chiếc bánh chưng Tết.
Bước 1: Bạn sẽ cần 4 lá dong cho mỗi chiếc bánh chưng. Đầu tiên, bạn xếp 4 lá gói bánh vuông góc với nhau, mặt phải của 2 lá dưới úp xuống dưới để vỏ bánh có màu đẹp mắt, mặt phải của 2 lá trên đặt chiều ngược lại để bánh không bị dính khi bóc bánh.
Bước 2: Bạn cho 1 bát gạo nếp vào lá xong vừa xếp ở bước 1 (1 bát con đầy là vừa đủ)
Bước 3: Trên gạo nếp là phần đỗ xanh đã được nắm ở phần sơ chế. Bạn đặt 1 nửa nắm đỗ xanh nhẹ nhàng, thêm miếng thịt ba chỉ lên trên rồi thêm phần đỗ xanh còn lại lên miếng thịt. Phần này bạn sẽ cần chú ý một chút để phần đỗ xanh bao kín hết miếng thịt.
Bước 4: Bạn lấy thêm một bát gạo nếp đổ lên phần nhân bánh vừa thực hiện ở bước 3 và san đều ra để gạo phủ kín nhân bánh.
Bước 5: Gấp bánh là giai đoạn làm khó rất nhiều người. Thao tác chính xác là dùng tay gấp lần lượt lá dong bên trái và bên phải thật chắc, phần lá thừa được gập vào phía trong. Sau đó gấp 2 bên phần đầu trên của bánh rồi gấp phần lá thừa ở bên trên lại cho vuông.
Bạn sử dụng 4 chiếc lạt để gói bánh, 2 chiếc đầu tiên để goi bánh chặt, 2 chiếc lạt sau buộc vuông góc với 2 lạt trước để cố định bánh. Bánh sau khi buộc lạt cần chặt và có hình vuông. Nếu basnhc hưa vuông thì sau khi buộc lạt, bạn dùng tay ấn 4 góc của bánh để chỉnh lại.
Bước 6: Luộc bánh
Lần lượt xếp bánh vào nồi rồi cho nước vào ngập toàn bộ phần bánh, để lửa to tới khi sôi thì căn lại lửa liu riu trong khoảng 7-10 tiếng. Ông bà ta thường luộc bánh chưng bằng bếp củi với những thanh củi to và chắc chắn để đảm bảo nhiệt độ khi luộc bánh luôn hợp lý.
Bước 7: Bánh đã chín, bạn vớt bánh ra và để nguội.
Cách làm bánh chưng truyền thống không khó nhưng thời gian thực hiện và độ đẹp mắt phụ thuộc vào độ khéo léo của từng người. Một chiếc bánh chưng vuông đạt chuẩn phải đáp ứng cả hai tiêu chí về hình thức và nội dung tức là phải có độ vuông vắn hợp lý và giữ đúng hương vị hòa quyện của lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ và gia vị.