Có thể nói, hình ảnh lá bàng đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ học trò, cây bàng cũng là loài cây che nắng ở sân trường. Quả bàng có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng rồi rụng xuống, nó có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát. Bên trong hạt có lớp nhân trắng ngọt, bùi bùi.
Cây bàng lại trở thành đặc sản hấp dẫn của vùng đất Côn Đảo, đó là mứt hạt bàng.
Những cây bàng cổ thụ ở đây to hai người ôm không xuể, hạt bàng ở đây cũng có kích thước to hơn so với hạt bàng trồng ở những nơi khác. Nhiều người dân ở đây đi gom hạt bàng bán cho các đầu mối cũng kiếm được một khoản thu nhập kha khá.
Mùa bàng chín rộ vào khoảng tháng 6, 7 hàng năm. Khi trái bàng rụng xuống, người dân Côn Đảo tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi nhặt hạt bàng về phơi khô và tách vỏ lấy nhân làm mứt. Mứt nhân trái bàng có màu trắng đục, ăn bùi và ngậy. Ở Côn Đảo nhiều hộ dân làm mứt hạt bàng bán để có thêm thu nhập và tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, ý nghĩa cho hòn đảo đầy ắp lịch sử này.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, chị Giang, chuyên thu mua hạt bàng cho biết: “sau khi thu mua hạt bàng phải phơi vài nắng, cho tới khi hạt thật khô rồi mới đem đi chế biến. Để làm ra được mứt hạt bàng, quá trình chế biến không quá phức tạp nhưng đòi hỏi phải làm thật cẩn thận. Khi chặt đôi quả, dao không được sâu quá mà chỉ cắt một phần rồi dùng tay để lấy từng hạt ra, đảm bảo hạt bàng phải lấy ra được nguyên vẹn. Từng hạt, từng hạt được lấy ra theo phương thức thủ công như thế”.
Theo các hộ làm mứt bàng, hạt bàng hiện chế biến hoàn toàn thủ công, được rang chủ yếu theo 3 loại, vị mặn, ngọt và loại để “mộc’’, tức không thêm gia vị, hoàn toàn vị tự nhiên của hạt bàng.
Được biết, mức giá có thể dao động từ 450-500 nghìn đồng/kg và khi về thành phố thì có thể "nhỉnh" hơn đôi chút. Trái mùa, thời tiết khắc nghiệt, mứt hạt bàng có khi lên đến 500.000-600.000 đồng/kg.