Từ nhiều năm nay, Thái Nguyên là tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về diện tích, cũng như doanh thu kinh tế từ cây chè. Toàn tỉnh hiện có 22,4 nghìn ha chè đang cho thu hoạch, bình quân mỗi ha cho doanh thu chè búp tươi đạt 274 triệu đồng/năm.
Đến tháng 8/2021, Thái Nguyên có trên 2.600 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn chè an toàn, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chè VietGAP, chè hữu cơ.
Đối với những vùng chè đặc sản như Khe Cốc, Trại Cài, Tân Cương, La Bằng…, nhiều người trồng chè đã không bán chè búp tươi, chủ yếu tự chế biến thành sản phẩm chè khô truyền thống, đạt doanh thu bình quân từ 600 đến 700 triệu đồng/ha/năm.
Theo giá hiện tại, giá 1kg chè ngon thượng hạng tại Thái Nguyên đã đạt khoảng 5 triệu đồng, gần bằng 800 kg thóc tẻ. Chính từ lợi nhuận cao, nhiều người dân trồng chè và cả doanh nghiệp lớn tại Thái Nguyên đều có chung xu hướng đầu tư vườn chè và tìm kiếm thế mạnh của từng giống chè, nhất là chè trung du bản địa, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè, TP.Thái Nguyên đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021-2025", với tổng kinh phí thực hiện hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trên 20,5 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đối ứng trên 6,6 tỷ đồng.
Thái Nguyên cũng đặt ra mục tiêu và phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè trung du đạt 30% tổng diện tích; 100% diện tích chè thuộc vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, trong đó, ít nhất có 30% diện tích được chứng nhận an toàn; 100% sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.