Hiện tại, trên địa bàn xã Hồng Sơn có khoảng 150 hộ trồng mướp đắng, trong số đó có trên 100 hộ trồng bình quân mỗi hộ trên 1 sào. Tổng diện tích trồng mướp đắng toàn xã 6ha.
Tại xã Hồng Sơn, mướp đắng là loại cây được trồng nhiều nhất và mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Với kinh nghiệm nhiều năm, việc trồng mướp đắng cũng đã đem lại sản lượng tốt, giúp cải thiện nguồn tài chính cho bà con. Theo đó, bình quân mỗi sào mướp cho thu nhập trên 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến các hộ dân trồng mướp tại Hồng Sơn lao đao, lo lắng vì không có thương lái đến thu mua. Những thương lái vào địa phương mua thì cũng ép giá rất thấp và mua với số lượng hạn chế.
Chia sẻ trên Báo Nghệ An, ông Lê Đức Tiến ở xóm 1, xã Hồng Sơn (Đô Lương) cho biết: “Trước ngày 20/8, khi huyện Đô Lương chưa cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, giá mướp đắng được xuất bán với giá 15 ngàn đồng/1kg. Sau khi cách ly xã hội, mướp rớt giá thẳng đứng, xuống 8 ngàn đồng/kg, rồi 6 ngàn/kg, đến nay giá hạ chỉ còn 4 ngàn đồng/kg, nhưng rất ít thương lái đến mua”.
Ông cũng cho biết, do không có thương lái đến thu mua nên gia đình ông cũng đã phải đổ bỏ trên 3 tạ mướp đắng đã chín vàng.
Trước thực trạng này, để hỗ trợ bà con tiêu thụ mướp đắng, Hội Nông dân huyện Đô Lương cũng đã kêu gọi Hội Nông dân các xã chung tay bán giúp mướp đắng cho bà con nông dân xã Hồng Sơn. Theo đó, 33 tổ chức hội cấp xã thị trấn sẽ đăng ký mua 30kg giúp bà con. Trong đó, riêng Hội Nông dân xã Tràng Sơn đã đăng ký mua 1 tạ.
Dù các tổ chức Hội đã hỗ trợ mua cho bà con nhưng số lượng này còn rất hạn chế so với 300 tấn mướp đắng cần tiêu thụ tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương.