Cập nhật giá tiêu thế giới hôm nay 30/8
Theo KT&ĐT, tại Ấn Độ, sàn Kochi đã tạm ngừng giao dịch kỳ hạn vì không có khách, dẫn đến thu không đủ chi.
The Hindu Business Line đưa tin, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng mạnh, đã buộc các nhà xuất khẩu tiêu Ấn Độ phải trả mức giá cao cho các hãng vận tải.
Tình trạng giá cước vận tải biển leo thang đã khiến hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gia vị bấp bênh. Các công ty đã đặt hàng trước khi những đợt tăng giá chưa từng có này xảy ra giờ đây cũng đang phải đối mặt với viễn cảnh thua lỗ lớn.
Trước tình trạng này, Diễn đàn Các nhà xuất khẩu gia vị toàn Ấn Độ cho biết, sẽ tổ chức một cuộc họp với Bộ Vận tải Biển vào cuối tháng này để tìm hướng giải quyết cho vấn đề nêu trên, hạn chế ảnh hưởng thêm nữa đến quá trình xuất khẩu.
Giá tiêu trong nước hôm nay 30/8: Đồng loạt giảm 500 đ/kg
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ, giao dịch ở mức từ 74.000 - 78.000 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai giảm 500 đ/kg so với hôm qua, hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất thị trường 74.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai vẫn duy trì ở mức 75.000 đ/kg
Giá tiêu hôm nay ở Đắk Nông, Đắk Lắk cùng giảm 500 đ/kg và đang giao dịch ở mức 76.000 đ/kg.
Trong khi đó, giá tiêu hôm nay 30/8 ở Bình Phước ở mức 77.000 đ/kg sau khi giảm 500 đ/kg.
Cũng giảm với mức tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.000 đ/kg.
Thông tin thị trường tiêu trong nước và thế giới
Về thị trường trong nước, tính chung tuần qua, giá tiêu giảm trung bình 1.500 - 2.000 đồng/kg. Xuất khẩu ách tắc, hoạt động sản xuất đình trệ vì áp dụng các biện pháp mạnh phòng chống Covid-19, dẫn đến hàng hóa không lưu thông, tồn tại kho và cảng nhiều, doanh nghiệp giảm mua, khiến giá tiêu đi xuống.
Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể kéo dài đến qua nghỉ lễ Quốc Khánh, khi mà động lực trong nước không còn, doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ ghìm giá. Diễn biến giá trong thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cùng với đó, Ấn Độ cũng chung tình cảnh với Việt Nam.
Tình hình tại Việt Nam, Ấn Độ cũng là bức tranh chung của các quốc gia có thế mạnh về hồ tiêu khác trên thế giới. Có thể thấy, khác với cà phê, lúa gạo, cao su... là những mặt hàng nông sản chịu nhiều ảnh hưởng từ tỷ giá đồng USD, chịu tác động mạnh của những biến động tài chính kinh tế thế giới. Từ các chính sách tiền tệ, sự lên xuống đồng USD, cung cầu... Trong khi đó, giá hồ tiêu ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên.
Một minh chứng rõ nhất, trong tuần qua, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến giá cà phê, thị trường tài chính tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng giá tiêu vẫn vô cùng trầm lắng và đi xuống.
Theo các chuyên gia, yếu tố tác động đến giá tiêu toàn cầu chỉ có thể là những vấn đề nội tại của nó, trong đó cung cầu là điều quyết định nhất.
Thời điểm hiện nay, Việt Nam là thị trường đứng đầu thế giới nên ngành tiêu Việt Nam sẽ có tác động mạnh mẽ tới thị trường nông sản này.