Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, hiện chôm chôm Java bán tại vườn có giá khoảng 3.000/kg; chôm chôm Thái loại 1 có giá khoảng 8.000 - 9.000đ/kg, loại 2 còn 6.000-7.000đ/kg. Giá thấp nên nhiều nhà vườn còn ít chôm chôm cuối vụ hầu như không thu hoạch vì tiền bán trái không đủ bù cho công hái.
Sở hữu gần 2 ha chôm chôm truyền thống tại xã Bình Lộc, TP. Long Khánh (Đồng Nai) anh Phùng Văn Hùng cho biết, vườn chôm chôm nhà anh trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng mọi năm đạt khoảng 20 tấn. Tuy nhiên, năm nay cả vườn chôm chôm chín rụng vẫn không có người mua.
“Tôi trồng chôm chôm giống cũ lại theo hướng hữu cơ nên năng suất không cao như các loại chôm chôm khác. Mọi năm giá tại vườn cũng đạt từ 7.000-13.000đ/kg nhưng năm nay chỉ 1.000-2.000đ/kg. Tôi bỏ rụng chứ giá đó không đủ tiền công thuê hái”, anh Hùng cho biết.
Cũng trồng chôm chôm tại ấp Bàu Tre, xã Bình An (Long Khánh, Đồng Nai), chị Bảo Anh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chôm chôm của gia đình chị và hầu hết các hộ dân khác đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không đến mua.
Nhiều hộ gia đình chỉ hy vọng bán được giá 3.000đ/kg để thu lại ít tiền phân bón cho vụ sau và trả tiền thuê đất. Tuy nhiên vẫn không có người mua. Chị và mọi người phải tự hái rồi đăng lên các chợ mạng bán với giá rẻ nhưng cũng không được bao nhiêu.
Trao đổi với PV, ông Lương Ngọc Thạch, Trưởng phòng Kinh tế TP. Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, toàn TP. Long Khánh có khoảng 2.500 ha trồng chôm chôm, sản lượng ước đạt khoảng 16 tấn/ha.
Theo ông Thạch, thời điểm trước tháng 7 năm nay, tình hình mua bán, tiêu thụ chôm chôm ra các tỉnh miền Bắc, đi Lạng Sơn và xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường với giá cao. Tuy nhiên, từ tuần đầu tiên của tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh đã áp dụng quy định giãn cách xã hội nên việc vận chuyển và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các loại trái cây đều bị rớt giá.
Ông Thạch cho biết: “Bình thường thương lái đi lại thuận tiện thì họ vẫn đến thu mua nhưng hiện tại, việc đi lại khó khăn nên giá thấp cũng không có người mua”.
Trước tình hình đó, Phòng Kinh tế và UBND TP. Long Khánh cũng có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh nhằm hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm chôm chôm trên địa bàn, đưa các loại trái cây vào các khu cách ly để giúp bà con tiêu thụ chôm chôm và các loại trái cây khác.
Đồng thời, Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Nai cũng đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương sớm triển khai các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản tươi tại các vùng có dịch bệnh, nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị các Bộ, các địa phương liên quan điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu để theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc và các cảng biển nhằm chủ động thông tin kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, tránh phát sinh ùn ứ và các tác động khác