Khi ông bà nuông chiều cháu, cha mẹ cần có cách ứng xử khéo léo

Giai đoạn giãn cách xã hội là khoảng thời gian trẻ có nhiều thời gian cạnh ông bà, cha mẹ hơn. Tuy nhiên, việc ở nhà nhiều sẽ có dẫn đến việc nuông chiều, bỏ qua nề nếp sinh hoạt của trẻ, đặc biệt là khi để ông bà chăm cháu. Đứng trước vấn đề này, nhiều bố mẹ cũng vô cùng đau đầu, không biết cách giải quyết nào hợp lý, lại không mất lòng ông bà.

Cách dạy trẻ khi sống cùng nhà với ông bà

Theo chia sẻ của TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, dạy trẻ trong môi trường gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống sẽ trở nên nhẹ nhàng và có tác động rất tích cực tới quá trình nuôi dạy thế hệ trẻ khi chúng ta hiểu và cảm thông với tâm lý của người lớn tuổi.

Để giúp các bậc cha mẹ đang gặp khó khăn trong việc dạy con khi chung sống trong gia đình nhiều thế hệ, TS. Vũ Thu Hương nêu 7 đặc điểm về tâm lý người lớn tuổi và 7 lưu ý khi dạy trẻ trong điều kiện này.

7 đặc điểm tâm lý người lớn tuổi

1. Người lớn tuổi ở Việt Nam vốn được nuôi dạy trong bầu không khí đầy “thành tích”, vì thế chuyện họ nhiễm nặng căn bệnh này không có gì khó hiểu.

Thành tích của con cháu đã là 1 phần tất yếu trong cuộc sống của các ông bà. Với đám trẻ, cái để đem khoe sẽ là: cháu mình to béo, thông minh mà không cần biết béo thế có tốt hay không.

Vì vậy, nếu mẹ nào có con mi nhon mà bị nói kháy hoặc thở dài hay trách móc thì cũng đừng lấy làm phiền não. Bệnh thành tích hình như không chừa ông bà nào thì phải?!.

2. Các ông bà thường thiếu kiến thức dinh dưỡng, tâm lý và ... đủ thứ. Thường các ông bà thời nay đều từng trải qua 1 thời cực kì nghèo khó và khốn đốn. Việc chăm sóc con cái chỉ dừng ở mức đi kiếm tiền mua đồ cho con, nhắc con học hành và quát mắng khi nó hư.

Nếu nói về các hành động xử lý con cho khéo léo, tâm lý thì chắc chắn không phải ông bà nào cũng hiểu. Vì thế, đừng đòi hỏi các ông bà phải nhận thức và hành động đúng đắn. Việc đó là hơi quá khó khăn.

3. Các ông bà không có trách nhiệm gì về việc dạy dỗ cháu. Vì thế, ở vị trí của mình, các ông bà chỉ thích chiều để nó nói yêu ông bà. Càng chiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Điều mà các cụ thích nhất là con không theo mẹ mà theo ông bà.

4. Người già thường ghét tiếng động to. Nếu cháu khóc, ông bà rất khó chịu và chỉ muốn nhanh chóng xử lý tiếng động đó. Vì thế, nhiều khi các bố mẹ bị mắng vì đã không chiều con cái để chúng gào khóc… cũng là bình thường.

5. Người già Việt Nam thường nghĩ tụi trẻ con không biết cái gì. Chính vì điều này, nếu các cha mẹ muốn dạy con Kĩ năng sống thì sẽ gây khó chịu cho ông bà. Ông bà sẽ nghĩ bố mẹ nó lười biếng hoặc hành hạ cháu của ông bà.

6. Với ông bà, cháu như hiện thân của niềm tiếc nuối tuổi thơ, tuổi trẻ. Vì thế, ông bà thường thích cho các cháu thật nhiều thứ vì nghĩ như vậy là cháu sướng. Điều này cũng hợp lý nhưng sẽ là khó khăn trở ngại lớn của cha mẹ khi muốn dạy dỗ con cái.

7. Ông bà luôn biết mình là người lớn tuổi nhất trong nhà nên nghĩ mình có nhiều quyền hành nhất. Nếu con cái không nghe lời thì chắc chắn là bực bội vô cùng. Ông bà cũng nghĩ ông bà có quyền sai trái còn tụi nhỏ là phải chịu đựng và lắng nghe.

Với những phân tích trên, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, việc yêu cầu ông bà phải hiểu biết và dạy cháu đúng đắn là rất khó khăn. Đồng thời nêu ra 7 lưu ý để hỗ trợ cha mẹ dạy dỗ các con hiệu quả hơn:

Lưu ý 1: Không yêu cầu ông bà hợp tác dạy cháu. Việc này giống như bảo ông bà là dốt và khiến ông bà nghĩ: “trứng khôn hơn vịt”.

Lưu ý 2: Khi con ăn vạ, cần đưa con vào phòng trong đóng cửa lại và xử lý. Cho dù con đập cửa, gào thét gọi ông bà thì vẫn phải cương quyết xử xong mới cho con ra. Dĩ nhiên, xử thì là lờ tịt hoặc gì đó chứ không được bạo hành trẻ. Khi con thật sự ổn hẳn hãy đưa con ra ngoài.

Cách thức làm này sẽ khiến con hiểu, cha mẹ có đầy đủ sức mạnh và bản lĩnh. Cha mẹ không thể vì sự tác động của ông bà mà lung lay. Vì thế, con sẽ không dám vượt mặt cha mẹ, dựa dẫm vào ông bà mà quấy phá.

Ngoài ra, ông bà thấy lần nào cũng bị “ra rìa” như vậy, có thể cáu, có thể bực, nhưng sẽ dần rút kinh nghiệm, “không thèm quan tâm đến mẹ con nhà nó nữa” cho đỡ bực bội. Kết quả là cha mẹ sẽ có toàn quyền dạy con theo cách riêng của mình.

Lưu ý 3: Tuyệt đối không vì chuyện vị nể mà để ông bà điều khiển, làm những điều sai trái như: Cho con ăn quá nhiều khiến nó bị thừa cân, ấp con quá mức đến nỗi con trở nên hư hỗn và sức đề kháng kém, cho con ăn quá kiêng khem khiến con bị thiếu chất dinh dưỡng…

Các cha mẹ không nên đối đáp hay cãi lại ông bà. Lẳng lặng làm theo ý mình. Nếu ông bà mắng thì cũng cứ im lặng lắng nghe. Ông bà sẽ dần hiểu được là mình đã can thiệp quá sâu vào việc dạy dỗ con cái của con mình.

Nếu sau này ông bà có chiều hay cho con ăn lung tung cũng chỉ dám làm sau lưng cha mẹ chứ ko dám làm trước mặt. Từ đó, con có thể cảm nhận được rằng chính ông bà cũng vị nể cha mẹ và chúng sẽ biết người đầu tiên có quyền hành với chúng là cha mẹ.

Lưu ý 4: Không tranh luận lí lẽ với ông bà. Điều này không những không giúp được gì cho mình và con mà còn làm căng thẳng thêm mối quan hệ. Các ông bà sẽ “đỡ” ghét “đứa” con dâu im lặng khi tranh luận hơn là “đứa” cãi ông bà chan chát.

Lưu ý 5: Tích cực “tán tỉnh” ông bà vào lúc khác. Coi ông bà như sếp (Với bố mẹ chồng, nếu không thể yêu quý được thì cứ coi như sếp, không cãi, lắng nghe và tôn trọng là đủ). Phòng khi có xảy ra xích mích thì ông bà cũng sẽ nhớ lại những lúc được tán mà bỏ qua cho.

Lưu ý 6: Lâu lâu thì thụp tâm sự nhỏ to với ông bà để ông bà hiểu cho lũ trẻ. Ví dụ: Nếu ông bà mắng sai thì không bênh con ngay lúc đó, đợi vài ngày sau, khi con không có nhà thì khẽ khàng: “Hôm trước, ông bà mắng nó... mà thực ra cháu nó…. Nó cũng tủi thân lắm đấy vì nó rất yêu quý ông bà”.

Lưu ý 7: Chú ý là ông bà ghét tiếng động to nên cố gắng hết sức để ông bà khỏi phải chứng kiến cảnh các cháu la hét. Vì vậy, phòng riêng (cách âm càng tốt) hoặc cửa hàng café, vườn hoa…. sẽ là nơi lí tưởng để dùng biện pháp mạnh với tụi nhóc mà không có sự can thiệp của ông bà.

“Nuôi dạy con luôn là công việc vất vả, khó khăn nhưng các cha mẹ đừng quên sự xuất hiện của chúng là lựa chọn, là niềm vui của cả gia đình. Vì thế, mong các cha mẹ cố gắng hết sức hoàn thành trách nhiệm nặng nề này. Tôi rất đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của các cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ đang chung sống, nuôi dạy con cái dưới cùng một mái nhà với người cao tuổi.” – TS. Vũ Thu Hương.

Cũng có cách để cha mẹ từ chối khéo

Nhiều cha mẹ phàn nàn rằng, để con ở với ông bà dễ dẫn đến tình trạng "ông bà dạy một đằng, cha mẹ dạy một nẻo" nên thường tìm cách từ chối mỗi khi ông bà đề đạt ý muốn trông cháu.

Khoảng cách giữa hai thế hệ là điều mà nhiều mẹ bỉm sữa đã nhận ra khi bắt đầu nuôi con cùng với bố mẹ chồng. Có nhiều điều, với ông bà là đúng nhưng với chúng ta lại là không khoa học, là sai. Tôi vẫn còn nhớ khi mới sinh bé đầu, sau mỗi lần ti mẹ, bà nội của Su nhà tôi đều bắt tôi lấy nước cho con uống.

Bà bảo “làm như thế nó mới sạch miệng, không có cặn sữa”. Nhưng tất cả chúng ta đều biết, trẻ dưới 6 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống nước. Vậy là tôi kiên quyết không cho bé uống giọt nước nào trước sự không hài lòng của mẹ chồng.

Nuôi con đã vậy, tới lúc dạy con còn mệt hơn. Ông bà nhà tôi can thiệp vào việc dạy con của tôi tới mức tôi cảm thấy rất khó chịu, ức chế. Anh chồng tôi nhà ở ngay cạnh, và cũng có một bé bằng tuổi, trẻ con chơi với nhau thì có lúc thế này, có lúc thế kia nhưng ông bà chỉ có cách xử lý duy nhất là đứa nào khóc to hơn thì đứa ấy đúng.

Ví dụ như chiếc xe đồ chơi là của Su nhưng vì anh thích, anh khóc, anh đòi nên Su phải nhường anh, cho anh mượn. Nếu Su không cho anh mượn, Su cũng khóc thì Su bà cất ngay cái xe đi, không đứa nào được chơi. Vậy là cả hai đều khóc.

Trong khi đó, tôi thì muốn dạy con rằng đồ chơi là của con, con có quyền cho mượn hoặc không chứ không phải cứ ai khóc là con phải cho hoặc anh muốn chơi thì anh nên đổi cho con một món đồ chơi anh đang có. Tôi có nói lại với bà, bà nguýt tôi và bảo “Chị giỏi thì đi mà dạy nó. Tôi già rồi, tôi chỉ biết thế”.

Thôi thì những cái như trên từ từ khắc phục cũng được. Điều tôi chán ngán nhất là ông nội của Su hút thuốc lá cực kì nhiều. Ông đã nghỉ hưu rồi nhưng không tham gia sinh hoạt hội nhóm nào cả nên ông ở nhà là chính. Việc mà ông thích nhất là ngồi xem tivi và hút thuốc.

Ông hút ngay cả khi Su đang ngồi cạnh. Có lần, tôi thấy Su cũng vờ ngửa cổ nhả khói y như ông nên tôi hãi luôn. Mặc dù đã góp ý nhiều lần với ông, đề nghị ông có hút thuốc thì ông tránh cháu một tí, nhưng ông bảo “Không khí bây giờ còn ô nhiễm gấp mấy lần, dính tí khói thuốc thì ăn thua gì”. Thế nên, bận gì thì đành chịu chứ ở nhà với Su là hai mẹ con trốn tiệt trên tầng, không thò mặt xuống vì xuống nhà là hít mùi thuốc lá.

Ông thì như vậy, bà thì rất lơ đễnh, hay quên. Có lần, bà hồn nhiên kể rằng khi trông cháu, có lúc bà ngủ quên, lúc tỉnh dậy không thấy cháu đâu, giật mình nhìn quanh thì phát hiện nó đang bò được mấy bậc cầu thang rồi. Nghe thấy vậy, tôi đã ủ mưu cho Su đi trẻ rồi.

Từ chối nhờ ông bà trông cháu, chuyện chẳng dễ dàng

Vì nhiều lí do như vậy nên khi hết chế độ thai sản, phải đi làm, tôi đau đầu, nhức óc nghĩ cách làm sao để Su không phải ở cùng với ông bà. Nhưng lúc này, Su bé quá, mới có 6 tháng thì không nơi nào nhận. Xót con, tôi đành nói khó với sếp, xin làm nửa ngày để nửa ngày ở nhà chăm con.

Sếp tôi cũng là nữ nên nghe rất thông cảm, tạo điều kiện cho tôi ngay. Vì làm có nửa ngày, có tháng, tôi cầm tiền vừa đúng bằng tiền sữa bỉm của con. Nhưng tôi cũng đành chấp nhận để còn giữ chỗ.

Khi Su được 1 tuổi, trường tư gần nhà đã nhận nên tôi bàn với chồng cho Su đi “bộ đội”. Tất nhiên là tôi không dám bộp một cái nói ngay với ông bà rằng con cho cháu đi nhà trẻ, tôi phải làm công tác tinh thần, tư tưởng cho ông bà trước đó cả tháng.

Một ngày như mọi ngày, cho Su đi dạo quanh quanh về, tôi vờ ngạc nhiên:

- Ôi, bé Bo cháu bà T ở gần nhà mình giỏi quá mẹ nhỉ. Mới có 1 tuổi rưỡi mà đã hát được nhiều bài lắm rồi ấy.

Mẹ tôi nghe vậy, vồn vã

- Nhanh thế cơ à?

- Vâng. Hôm nay, con gặp bé ở ngoài sân chơi. Hát to, rành rọt lắm ạ. Con nghe mẹ bé bảo là bé đi lớp sớm, 1 tuổi đã đi rồi nên dạn lắm. Cô dạy hát với đàn, bé thích lắm nên học cũng nhanh. Có khi, mai con cũng cho Su sang ngó nghiêng tí để chuẩn bị đi lớp mẹ nhỉ.

- Đi gì mà đi, nó non thế thì cho ở nhà với ông bà thêm đã.

Bố chồng tôi nghe thấy, nói chêm vào.

Bị phản đối ngay từ lần giạm gié nhưng tôi không nản chí, miệng vâng dạ nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình.

Mấy hôm sau, tôi xin đi làm muộn, buổi sáng cho con sang trường gần nhà chơi, để bé làm quen với cô và các bạn. May mắn cho tôi là bé thích đi lớp hơn là ở nhà xem tivi với ông bà nên chẳng cần tôi xúi, con cũng đòi đi lớp khi tôi hỏi “Con thích đi lớp hay ở nhà với ông bà?”.

Vậy là, lấy lí do bé thích đi lớp, con cũng muốn cháu có nề nếp hơn, để ông bà có thêm thời gian nghỉ ngơi, tôi đã cho Su đi học thành công mặc dù ông bà vẫn có vẻ không thoải mái vì cho rằng “Ông bà thì ở nhà ngồi chơi không còn cháu thì bắt đi học”.

Mặc dù, có người bạn nói với tôi rằng “Muốn cho con đi lớp thì cứ cho đi, con là mình đẻ, mình có quyền, sao phải lắm chuyện thế làm gì?” nhưng tôi nghĩ, dù sao tôi vẫn đang sống chung nhà với ông bà, tình cảm ông bà dành cho con cháu cũng đáng trân trọng mặc dù cách làm của ông bà thì tôi không đồng ý nên vẫn cần tế nhị, tránh ông bà phật lòng.

Mặc dù bé nhà tôi khi đi học khá nhỏ, chỉ mới 1 tuổi nhưng tôi thấy đó vẫn là quyết định sáng suốt của mình vì nếu tôi cả nể, cho bé ở nhà với ông bà thì chắc sẽ rất khó rèn cho bé vào nếp.

Tiến sĩ Hương khuyên các cha mẹ khi sống chung với ông bà, không nên yêu cầu ông bà hợp tác dạy cháu. Việc này giống như bảo ông bà là dốt và khiến ông bà nghĩ: "Nó, trứng khôn hơn vịt". Khi con ăn vạ, cần đưa con vào phòng trong đóng cửa lại và dạy dỗ lại con. Nếu nhà không có phòng riêng, cha mẹ hãy đưa con đi chỗ khác, ví dụ, góc công viên, vườn hoa… chỗ nào không có ông bà. Dù con gào thét gọi ông bà thì vẫn phải cương quyết "xử" xong mới cho con ra. Như thế, vừa không gây tiếng ồn với ông bà, vừa để con hiểu rằng cha mẹ mới là người có quyền và trách nhiệm chính trong việc nuôi dưỡng chúng.

Cha mẹ tuyệt đối không vì chuyện vị nể mà để ông bà điều khiển, làm những điều sai trái như cho con ăn quá nhiều khiến nó bị thừa cân, ấp con quá mức đến nỗi con trở nên hư hỗn và sức đề kháng kém, cho con ăn quá kiêng khem khiến con bị thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đối đáp hay cãi lại ông bà. Lẳng lặng làm theo ý mình. Nếu ông bà mắng thì im lặng trật tự nghe nhưng bỏ ngoài tai. Ông bà sẽ dần hiểu được là mình đã can thiệp quá sâu vào việc dạy dỗ con cái của con mình.

Bác sĩ Hồng Ngọc cũng đồng tình chăm sóc và nuôi dạy trẻ không phải và không nên là trách nhiệm của ông bà. Ông từng nhận được nhiều thư của các bà nội bà ngoại hỏi về việc chăm cháu, đặc biệt có những bà cảm thấy rất đau khổ khi con cái không chịu làm theo cách của mình. Ông chỉ khuyên các bà đã có công nuôi dưỡng chăm sóc các con rồi thì bây giờ nên nghỉ ngơi, để phần việc chăm cháu cho bố mẹ của chúng. "Phụ huynh lớn tuổi chỉ nên hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ cho phụ huynh trẻ chứ không nên can thiệp vào việc nuôi dạy bé của bố mẹ chúng", bác sĩ khuyên.

Đánh giá:  
3.0 / 5  (3 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật