Gợi ý các nàng cách giải quyết “cuộc chiến chốn thâm cung” của chị em dâu

Có một mối quan hệ rất phức tạp, tiềm ẩn những xung đột trong gia đình, đó chính là “cuộc chiến chốn thâm cung” của các chị em dâu. Thông thường, khi các chị em về làm dâu trong gia đình sẽ được cho phép ở riêng, sự va chạm trong đời sống hằng ngày sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên, có những gia đình vì điều kiện không cho phép, cả đại gia đình sống chung một nhà. Khi đó, các chị em dâu nên cư xử với nhau như thế nào để tránh những xung đột?

Chúng ta thấy rằng, nhiều khi cuộc sống chỉ có hai vợ chồng thỉnh thoảng cũng xảy ra những xung đột, mâu thuẫn. Huống chi, trong cùng một gia đình lại có rất nhiều cặp vợ chồng chung sống cùng nhau và có cả bố mẹ. Sống như thế này, cực kỳ phức tạp. Anh em ruột thịt có thể hiểu và cảm thông cho nhau, thậm chí là không so đo tính toán. Nhưng các chị em phụ nữ thường có suy nghĩ cặn kẽ hơn . Bởi thế, khi các chị em dâu cùng sống chung trong một nhà rất dễ phát sinh những mâu thuẫn xuất phát từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn như vấn đề giặt giũ quần áo, vấn đề nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, tiền ăn uống…Những vấn đề đó, tưởng chừng như là nhỏ nhưng nó có thể khiến cho mối quan hệ của các chị em dâu rơi vào căng thẳng. Vì vậy hãy ngăn chặn những mâu thuẫn đó trước khi nó xảy ra và ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.

Nguyên tắc 3B

Để mối quan hệ này không bị rạn nứt thì nguyên tắc 3B: Bình đẳng – Biết điều – Bảo vệ gia đình chung là những gì bạn buộc phải biết và thực hiện. Trước tiên, cần xây dựng mối quan hệ dựa trên sự bình đẳng. Cho dù bạn có là dâu cả, được mẹ chồng trao quyền quán xuyến cả gia đình hay cho dù bạn là nàng dâu có kinh tế tốt nhất thì mọi người đều phải đối xử bình đẳng với nhau, không tự cao, không tự cho mình “trên cơ” và xem thường người khác. Sự bình đẳng chính là tiền đề để có thể phát triển một mối quan hệ tốt đẹp.

Bên cạnh sự bình đẳng, bạn còn phải “biết điều”. Biết điều ở đây chính là cách cư xử của bạn, lối sống của bạn đối với các thành viên khác trong gia đình. Chẳng hạn như khi gia đình anh chị hay em của mình gặp trục trặc, bạn không nên “thêm dầu vào lửa” hoặc xỉa xói, mỉa mai. Khi bạn “biết điều” với người khác, chắc chắn mọi người sẽ cư xử như vậy với bạn.

Và đã là chị em dâu cùng chung sống trong một gia đình, dù cho có như thế nào đi chăng nữa thì mọi người cũng phải hướng tới một mục tiêu chung chính là xây dựng, bảo vệ gia đình lớn. Nếu bạn làm được điều này, không chỉ mối quan hệ giữa bạn và những người khác trong gia đình được cải thiện, mà mẹ chồng cũng sẽ có cái nhìn khác về người con dâu này đấy nhé!

Không nói xấu người nhà với chồng mình

Làm vợ, ai chẳng muốn được chồng yêu thương, dỗ dành. Và ai cũng muốn chồng đứng về “phe ta” mỗi khi cãi nhau hay xảy ra bất hòa. Tuy nhiên, trong lúc nóng giận, chúng ta thường để cảm xúc kiểm soát hành động, lời nói của mình. Và rất có thể, khi bạn kể những câu chuyện này với chồng, bạn sẽ dễ vì sự bực tức trong lòng mình mà nói xấu, “thêm mắm dặm muối” vào câu chuyện.

Nếu chồng không đứng về phía bạn và bênh vực bạn, bạn và chồng sẽ có một trận chiến nảy lửa khiến cuộc sống hôn nhân giữa hai bạn chẳng còn đầm ấm. Còn nếu chồng đứng về phía bạn nhưng thay vì tinh tế chỉ an ủi bạn, anh cũng là một người nóng tính và muốn làm cho ngô ra khoai thì chẳng phải bạn đang đẩy mọi thứ đi xa hơn? Lúc này, chuyện không chỉ dừng lại ở mâu thuẫn chị em dâu mà là mâu thuẫn, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình. Càng nhiều người liên quan đến câu chuyện thì mọi thứ lại chỉ càng khó giải quyết mà thôi.

Và bạn cứ hãy nghĩ mà xem, nếu chẳng may chồng hỏi cho ra lẽ và biết được sự thật rằng, mọi thứ không đúng như những gì bạn đã kể thì chẳng phải bạn đang khiến chồng mất lòng tin vào mình? Những người khác trong gia đình như bố mẹ chồng chắc chắn cũng không thể thích một người con dâu “chuyện bé xé ra to” đâu đấy.

Vì thế, tuyệt chiêu để bạn đối phó với chuyện chị em dâu bất hòa thật ra rất đơn giản. Bạn chỉ cần không nói xấu với chồng là được. Còn nếu muốn tâm sự với chàng thì hãy để khi mình bình tĩnh lại để có thể kể đúng bản chất sự việc, bạn nhé!

Không mách lẻo

Nếu chẳng may bạn biết được một bí mật nào đó từ người chị dâu hay em dâu của mình, việc đi “tám” với chồng, mẹ chồng hay bất kỳ ai, cho dù có là bà hàng xóm đi chăng nữa thì đây cũng là điều tối kỵ. Việc mách lẻo có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người khác và khiến người ấy khó chịu, đề phòng bạn. Nếu không muốn mối quan hệ chị em bạn dâu thêm tồi tệ thì tốt nhất, có biết cũng vờ như không biết thay vì tự biến mình thành cái-loa-phường nhé!

Thống nhất với nhau về chi phí sinh hoạt và công việc hằng ngày

Tuy có những gia đình nhỏ khác nhau, thậm chí là không sống chung một nhà, nhưng chắc chắn bạn không thể tránh khỏi những lúc chung đụng vào các dịp lễ tết hay giỗ chạp. Vào những ngày này, điều tối kị là người làm, người rảnh tay ngồi không hoặc người làm quá nhiều, người lại chỉ gẩy đầu móng tay là đã hết việc. Tốt nhất hãy phân công công việc cụ thể, nếu chị đi chợ thì em sẽ là người nấu nướng, nếu chị đã dọn dẹp nhà cửa thì rửa bát phần em. Điều này sẽ giúp cho mối quan hệ giữa chị em dâu với nhau hòa thuận hơn, không còn quá nhiều bất đồng và cãi vã.

Nếu bạn cảm thấy bạn bị phân quá nhiều việc, bạn có thể thẳng thắn ý kiến và trao đổi. Tuy nhiên, cần lưu ý dùng thái độ chân thành và lịch sự để nói chuyện với nhau thay vì thái độ thù hằn, cọc cằn nhé!

Các chị em dâu sống chung một nhà giống như kiểu các bạn sinh viên ở trọ cùng nhau. Hãy phân công mọi chuyện rõ ràng. Chẳng hạn như về chi phí ăn uống. Các chị em có thể thống nhất một tháng chi tiêu bao nhiêu tiền thức ăn, để nguyên một quyển sổ ghi chép để ai là người đi chợ, mua đồ dùng gì thì sẽ ghi vào, cuối tháng tổng kết với nhau. Hoặc phân công tuần này bác cả đi chợ, tuần sau bác hai, tuần sau nữa bác ba…Chi phí điện sinh hoạt, tiền nước,…cũng chia đều cho hộ gia đình.

Không đòi hỏi sự công bằng ở mẹ chồng

Với nhiều gia đình, sự bất hòa giữa chị em dâu đôi khi chỉ vì mẹ chồng thương cô con dâu này hơn cô con dâu khác! Và khi chúng ta để lòng ganh ghét lên ngôi, chúng ta sẽ bắt đầu mất đi lý trí của mình, cảm thấy khó chịu, bực bội. Chúng ta sẽ tìm mọi cách hơn thua, để mẹ chồng thấy được rằng mình tốt hơn.

Thực tế thì mẹ chồng cũng là một người phụ nữ bình thường như bao người khác. Việc bà thương con trai này hơn một chút nên thiên vị con dâu hơn một chút cũng là chuyện rất thường tình. Nếu chẳng may mẹ chồng ít “cưng” hơn thì bạn cũng đừng hờn giận hay giữ lòng ghen ghét. Hãy cứ vui vẻ chấp nhận và xem như không có gì xảy ra. Như vậy thì mối quan hệ chị em dâu sẽ giảm bớt sự căng thẳng đấy.

Thẳng thắn chia sẻ với nhau, góp ý chân thành

Chị em ở cùng một nhà, có điều gì không hài lòng với nhau cũng không nên giấu diếm, hãy chia sẻ thật lòng với nhau. Bởi vì, bạn khó chịu với em dâu hoặc chị dâu ngày hôm nay, sang ngày hôm sau có thể sự bực bội ấy lại nhân lên và dần dần bạn mất đi sự thiện cảm với người đó, mối quan hệ cũng ngày càng rạn nứt. Khi mâu thuẫn đang còn nhỏ, tâm sự, chia sẻ để cùng nhau sửa đổi là điều nên làm. Nó giúp cho các chị em hiểu nhau, thoải mái với nhau hơn. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng các chị em nên dành cho nhau khoảng thời gian để tỷ tê đôi câu chuyện, gắn kết tình chị em và giúp mọi người hiểu về nhau nhiều hơn.

Nhiều người thường cho rằng, chị em dâu như bầu nước lã. Vì thế nếu chẳng may có gì trái ý, thay vì thẳng thắn góp ý thì lại chọn cách im lặng và giữ trong lòng. Những bực tức chất chứa lâu ngày rồi cũng sẽ như giọt nước làm tràn ly, khiến bạn bùng nổ và khiến cho mối quan hệ thêm mệt mỏi mà thôi.

Vậy thay vì luôn giữ mọi thứ lại cho riêng mình, sao không góp ý chân thành với nhau nhỉ? Khi bạn chia sẻ, đối phương có thể thêm hiểu bạn và có sự cải thiện, thay đổi để cả hai có thể chung sống hòa thuận hơn.

Đánh giá:  
4.0 / 5  (12 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật