Công thức pha 1 loại nước mắm chuẩn vị nhà hàng, ngon bất bại, có thể chấm cả thế giới

Đối với người Châu Á, đặc biệt là người Việt Nam, một món ăn có ngon hay không, quan trọng nhất đến từ bát nước chấm. Cũng chính bởi thế người Việt, nhất là người ngoài Bắc thường có lời khen rằng: "Mắm này ăn khá mềm", có nghĩa là mắm pha ngon. Còn nếu nói: "Mắm này ăn cứng", có nghĩa là mắm pha không ngon. Mỗi loại thức ăn đều có 1 kiểu mắm chấm khác nhau. Tuy nhiên, Food Review sẽ chia sẻ cho bạn cách làm 1 loại nước mắm mà món nào bạn cũng có thể chấm được. 

Trong mỗi món ăn, người pha nước mắm giống như đang nắm giữ linh hồn của cả mâm cơm vậy. Thực tế, pha nước mắm không khó, song nếu không khéo léo, bạn sẽ khiến cả món ăn mất ngon vì nước mắm đóng một vai trò hết sức quan trọng. Cũng chính vì lẽ đó, các cửa hàng ăn thành hay bại cũng nhờ những bí quyết pha nước mắm của riêng mình. Chỉ cần khi bạn pha nước mắm, tỉ lệ giữa các thành phần gia vị thêm sẽ quyết định chất lượng của bát nước mắm.

Chị Lê Vũ Thảo Nguyên đang làm việc tại Nhật Bản cho biết, dù xa quê hương nhưng chị vẫn nấu các món truyền thống và pha nước mắm chuẩn vị Việt. Chị đã mày mò được công thức nước mắm có thể chấm được các món, từ các loại bánh xèo, bánh cuốn, bánh hỏi đến cơm tấm, cơm sườn, hay chấm vịt. Với các nguyên liệu đơn giản, làm chưa đầy nửa tiếng nhưng các bạn có thể dùng đến hai, ba tháng.

Công thức pha nước chấm:

  • Nước: 600ml
  • Đường: 250g
  • Nước mắm (từ 35 độ đạm trở lên): 230ml
  • Giấm: 50ml
  • Thơm (khóm): 3 khoanh tròn
  • Muối: 1 muỗng

Cách làm nước chấm:

Cho nước vào nồi nấu sôi, thêm đường, nước mắm, muối, giấm khuấy cho tan. Thêm 1 ít dứa vào nấu với lửa vừa cho sôi, sau đó hạ lửa nấu thêm 10 phút để phần nước rút tầm 1/3 so với ban đầu ta có được nước mắm ăn bánh xèo, bánh cuốn.

Nấu thêm 10 phút cho đến khi nước mắm sánh và lượng nước trong nồi giảm còn ½ so với ban đầu, ta có nước mắm chấm cơm sườn.

Trong thời gian này chúng ta cũng thường xuyên vớt bỏ bọt để đảm bảo mắm có màu trong, vàng ánh. Sau khi nấu xong ta sẽ để nguội hoàn toàn rồi mới thêm ớt tỏi băm vào và bảo quản.

Quả dứa sau khi nấu xong có thể cắt nhỏ cho luôn vào hũ.

Với cách làm như thế này đảm bảo ớt tỏi sẽ nổi, và có thể bảo quản trong thời gian rất lâu dù không để tủ lạnh. Nếu muốn chấm thịt vịt thì ta có thể giả gừng, vắt bỏ nước rồi thêm vào mắm là ăn được ngay.

Bạn có thể san ra 3 hũ khác nhau dành cho sở thích của mỗi người trong gia đình. Đều cùng thích nước mắm nhưng có người thì không ăn được cay, người thì không ăn cay và không chịu cả mùi tỏi. Với cách làm này, bạn cho ớt tỏi cho vào chắc chắn nổi và cũng có thể bảo quản được 2-3 tháng. 

Với cách pha nước mắm này, bạn sẽ chẳng cần phải lo lắng vì bát mắm của mình thiếu chua, thiếu ngọt, hay mặn quá nữa. Bạn cũng không phải đau đầu lo lắng xem mỗi một món bạn phải pha nước mắm như thế nào. Hi vọng những chia sẻ của Food.com.vn sẽ giúp bạn có thể pha 1 loại nước mắm mà chấm được tất cả các món. Chúc các bạn thành công. 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật