Công thức chuẩn nấu chè bưởi cùi giòn, không bị đắng, cả nhà cùng thưởng thức vào mùa thu

Mùa thu cũng là mùa của những trái cây như bưởi, lựu, na, hồng. Trong số các loại quả của mùa thu, quả bưởi được nhiều người ưa chuộng vì vị thanh mát, ăn cảm thấy dễ chịu khi vào mùa thu. Quả bưởi không chỉ ăn trực tiếp mà còn được chế biến thành nhiều loại thức ăn khác nhau, trong đó có cả món chè bưởi. Hãy cùng Food Review xem công thức chuẩn làm chè bưởi nhé. 

Vốn là 1 món ăn thơm ngon và rất nổi tiếng ở An Giang, chè bưởi là một món ăn tinh tế và dân dã được nhiều người yêu thích. Phần cùi trắng của bưởi ăn giòn giòn dai dai, kết hợp với vị bùi của đỗ xanh, vị thơm của cốt dừa. Dù món ăn này khá dễ làm nhưng nếu không làm cẩn thận cùi bưởi sẽ không được giòn và ăn bị đắng. 

Để làm món chè bưởi, bạn cần phải chuẩn bị các nguyên liệu sau: 

Nguyên liệu làm chè bưởi: 

  • Bưởi da xanh hoặc bưởi 5 roi. Bạn nên dùng bưởi da xanh bởi bưởi da xanh tuy bề ngoài không đẹp mã bằng các loại khác nhưng chất lượng bưởi siêu ngon. Cùi bưởi da xanh có màu hồng nhạt đẹp mắt, cùi bưởi chắc, thành phẩm giòn. Bạn nên chọn bưởi tươi mới cắt để cùi bưởi ko bị teo. Quả dày cùi một chút thì chè bưởi sẽ ngon.
  • Đường thốt nốt.
  • Lá dứa tạo hương vị thơm hấp dẫn
  • 100 gram đậu xanh và bột năng.

Cách làm chè bưởi: 

Bưởi rửa sạch, sau đó gọt bớt phần vỏ xanh bên ngoài tới lớp cùi màu trắng, nên loại sạch lớp vỏ chưa tinh dầu bưởi, để khỏi đắng, đỡ mất công xử lí nhiều. Khía làm 5 hoặc 6 nhẹ xung quanh quả bưởi tách lớp cùi ra, sau đó lọc bớt lớp màng bên trong để cùi bưởi bớt dai, thái dọc nhỏ chừng 1,5 cm. 

Cùi bưởi thái xong, đun một nồi nước nóng già bỏ thêm muối hơi có vị mặn chút để khử bớt vị đắng.

Ngâm nước nóng chừng 10 phút, xả nước lạnh, cho vào túi lưới hay bọc bưởi rồi bóp xả nước cho cùi bớt đắng trong khoảng 5 phút, sau đó vắt kiệt nước, đổ muối hạt vào cùi bưởi bóp thật kĩ, đều trong khoảng 10 phút, lúc này cùi bưởi gần như không còn vị đắng chỉ còn vị mặn của muối thôi. Xả nước bóp sạch 1 lúc.

Nếu còn hơi ngăm đắng thì ngâm tiếp 10 phút nước nóng già rồi xả nước bóp sạch trong 10 phút sẽ hết đắng. 

Cùi bưởi sau khi loại được vị đắng vắt kiệt nước, cho cùi bưởi vào túi lưới rồi vắt, sau đó dùng trộn hỗn hợp theo tỉ lệ 1 lit nước với 100 gram đường và 80 gram bột năng. Nếu cùi bưởi nhiều thì tăng lượng nước, đường, bột năng lên để ngâm cùi được ngập đủ nước, ngâm cho cùi bưởi ngậm nước căng tròn trong 30 phút, sau đó vặt kiệt. Nếu bạn làm nhiều thì tới công đoạn này có thể cất tủ đá dùng dần.

Cùi bưởi vắt kiệt lúc này có vị ngọt ăn cũng giòn giòn rồi, tiếp tục đổ bột năng lên phủ kín từng viên cùi bưởi một lớp đều mỏng.

Chuẩn bị một nồi nước khoảng 2 lít nước với 400 gram đường thốt nốt và 1 nắm lá dứa đun sôi đường tan thì bỏ 200 gram cùi bưởi vào đun chừng 10 phút thấy cùi bưởi trong veo thì nhanh tay vớt ra thau nước đá, làm vậy để cùi bưởi giòn. Ngâm cùi bưởi như vậy trong 30 phút rồi vớt ra để ráo nước.

Trong lúc đợi cùi bưởi ráo nước thì hấp đỗ xanh, ngâm đỗ trước khoảng 2 tiếng nước ấm. Sau đó hấp chừng 10 phút đỗ chín mềm nhưng không bị nát còn giữ nguyên hình hạt đậu.

Dùng nồi nước vừa nấu cùi bưởi, có thể nếm vị thấy ngọt nhạt, thêm đường tuỳ theo khẩu vị và một lượng nước bù vào phần hụt khi vừa đun cùi bưởi. Hoà tan 1 bát nước và bột năng để khi nước đường sôi thì đổ bát nước bột vào từ từ, vừa đổ vừa khuấy nhẹ tay theo một chiều để tránh vữa chè, tới khi nước chè sánh lại theo ý thích thì dừng lại, không nên đặc quá cũng không nên loảng quá, chè bưởi ăn phải sánh mới ngon.

Sau đó cho cùi bưởi vào, tiếp tới đỗ xanh, khuấy đều nhẹ tay theo 1 chiều thấy cùi bưởi, đỗ xanh đều thì tắt bếp vậy là xong nồi chè.

Nước cốt dừa từ hộp đóng sẵn cho thêm 1 ít đường và nước pha với ít bột năng sau đó đun sôi là được, dưới lên bát chè mỗi lần ăn.

Hi vọng rằng những chia sẻ của Food.com.vn sẽ giúp bạn có thêm cách làm chè bưởi với cùi giòn ngon mà không bị đắng. Chúc các bạn thành công! 

(Nguồn: Facebook Nguyễn Hồng Nghĩa) 

Đánh giá:  
5.0 / 5  (2 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật