1. Chè khoai dẻo
Nguyên liệu làm chè khoai dẻo
- 80g đậu đỏ, 1/2 củ khoai môn, 1/2 củ khoai lang, 1/2 củ khoai lang tím, 18g bột thạch sương sáo, 60g bột năng, 30g đường, đậu phộng rang và nước cốt dừa ăn kèm.
Cách làm chè khoai dẻo
Hòa tan bột sương sáo với 50ml nước lạnh. Khi bột sương sáo đã tan hết thì đổ thêm 240ml nước sôi vào bát. Đun hỗn hợp này ở mức lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều đến khi sôi trở lại thì tắt bếp. Đổ ra khuôn và chờ thạch đông lại.
Khoai đem hấp chín rồi nghiền nhuyễn. Trộn khoai lang, 20g bột năng và 10g đường với nhau. Thêm từ từ nước ấm vào bát bột để nhồi, đến khi thấy khối bột nhuyễn mịn thì dừng. Bọc kín, để khối bột sang bên và làm các phần bột còn lại với khoai môn và khoai lang tím. Lăn riêng từng viên bột thành đoạn thuôn dài rồi cắt khúc tầm 1 - 1,5cm. Bắc nồi nước sôi lên bếp và luộc viên khoai, đến khi khoai chuyển màu trong và nổi lên mặt nước thì vớt ra tô đựng nước lạnh.
Đậu đỏ ngâm cho nở mềm rồi đem ninh nhừ. Nếu thích ngọt, khi đậu đã nấu mềm bạn hãy thêm vào một chút đường, nấu đến khi tan hết đường thì tắt bếp. Bày thạch, khoai dẻo, đậu đỏ, đá bào, nước cốt dừa và đậu phộng rang ra bát và thưởng thức.
2. Chè khúc bạch
Nguyên liệu làm chè khúc bạch:
- 250ml whipping cream, 250ml sữa tươi không đường, 14 lá gelatin (2,5g 1 lá), 10g hạt hạnh nhân thái lát, 300g nhãn, 80g đường cát, 120g đường phèn, vài lá dứa.
Cách làm chè khúc bạch:
Đổ sữa tươi và whipping cream vào nồi, thêm đường cát. Đặt nồi sữa lên bếp để ở lửa nhỏ, dùng thìa khuấy đều cho tan hết đường. Vớt lá gelatin ra, thả vào nồi khuấy đều cho tan hết. Lưu ý là phải để lửa nhỏ để tránh phần kem sữa tách nước.
Gelatin ngâm trong nước lạnh cho mềm. Khi gelatin tan hoàn toàn, hỗn hợp chỉ hơi nóng, đổ ra các hộp, để cho nguội rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 5 giờ cho đông lại. Cho 500ml nước vào nồi cùng với đường phèn và lá dứa, đun sôi kỹ sau đó để nguội. Đặt vào ngăn mát tủ lạnh.
Nhãn rửa sạch, bóc vỏ nhẹ nhàng lấy bỏ phần hạt nhãn. Hạnh nhân cho lên chảo rang vàng.
Khúc bạch sau khi đông lại, mang ra cắt thành các khối vuông có kích thước đều nhau. Khi ăn xếp cùi nhãn, khúc bạch vào bát chan nước đường vào, rắc chút hạnh nhân rang và thưởng thức.
3. Chè dừa dầm
Nguyên liệu làm chè dừa dầm
- Cùi dừa non, cùi dừa nạo sợi, 300ml sữa tươi có đường, 70ml nước cốt dừa, 5g bột thạch rau câu con cá dẻo,2g bột thạch agar, đường.
Cách làm chè dừa dầm
Lấy một bát nước lọc nguội, đổ thêm chút dầu ăn vào rồi để bát vào tủ lạnh khoảng 15 phút. Ngâm 2g bột thạch agar với 300ml nước. Trong một bát khác trộn đều 5g bột thạch rau câu con cá dẻo với 70g đường. Đun sôi 300ml nước thạch agar, đổ hỗn hợp đường và rau câu dẻo vào nồi khuấy đều tay cho đường tan hết. Đun thêm khoảng 5 phút nữa cho hỗn hợp thạch sôi trở lại và hơi sánh lại thì tắt bếp. Đổ hỗn hợp rau câu vào chai nhựa. Bạn nên đặt chai vào nước lạnh để tránh rau câu quá nóng làm biến dạng chai nhựa. Nhỏ từng giọt rau câu vào tô nước lạnh đã chuẩn bị sẵn, giọt rau câu qua lớp dầu sẽ tạo thành hình viên tròn, sau đó chìm xuống phần nước lạnh để cứng lại.
Sau khi làm xong, vớt trân châu ra và rửa lại với nước nhiều lần cho hết nhờn của dầu ăn. Cùi dừa non thái sợi nhỏ. Cho 300ml sữa tươi có đường, 70ml nước cốt dừa vào nồi, thêm đường cho vừa khẩu vị đun gần sôi cho đường tan hết thì tắt bếp. Đợi sữa dừa nguội thì cho vào tủ lạnh cho mát. Khi ăn múc dừa non, cùi dừa nạo sợi, trân châu vào bát, chan sữa dừa và thêm chút đá bào rồi thưởng thức.
4. Chè Thái
Nguyên liệu nấu chè Thái
- 3 miếng mít dai
- 300g nhãn
- 300g vải
- 1 quả xoài chín vàng
- 1 quả lê
- 10g bột rau câu
- 150g đường cát trắng
- 1 lon thạch dừa
- 400ml sữa tươi
- 1 thìa cà phê siro dâu
- 1 lít nước
- Bột năng
- Đá bào
Cách nấu chè Thái
Bước 1: Sơ chế hoa quả
Mít tách bỏ hạt và đem thái thành các sợi dài.
Nhãn và vải đem rửa sạch, bóc vỏ và loại bỏ hạt. Sau khi đã loại hạt, bạn thả vào thau nước đá khoảng 2 phút thì vớt ra để tránh bị thâm.
Xoài đem rửa sạch, gọt vỏ và thái thành các miếng vuông nhỏ.
Lê đem rửa sạch và gọt vỏ, cắt thành các hạt vuông nhỏ khoảng 1cm. Khi cắt xong thì bạn thả vào nước lạnh, ngâm khoảng 3 phút thì vớt ra, để ráo nước.
Tiếp theo, bạn đổ lê vào bột năng để lăn rồi cho vào rây lọc, lắc nhẹ cho phần bột thừa rơi xuống.
Đặt nồi lên bếp, đổ khoảng 500ml nước và đun sôi.
Khi sôi, bạn thả lê đã tẩm bột năng vào luộc chín cho đến khi thấy lớp vỏ trong, đẹp mắt thì vớt ra.
Bước 2: Nấu thạch
Hòa tan 10g bột rau câu với 150g đường cát trắng và 500ml nước lạnh vào bát tô, khuấy đều.
Lấy màng bọc thực phẩm bọc miệng bát tô lại và để ngâm khoảng 30 phút.
Sau khi đủ 30 phút, bạn đổ hỗn hợp vào nồi và đặt lên bếp, vừa đun vừa khuấy đều tay đến khi rau câu tan hết thì thêm 1 thìa cà phê siro dâu vào.
Tiếp tục đun sôi cho đến khi hỗn hợp bột rau câu và siro tan hết thì tắt bếp.
Đợi 15 phút để hỗn hợp nguội rồi đổ vào khuôn và cất vào ngăn mát tủ lạnh 3 - 4 tiếng cho rau câu đông lại.
Khi thạch rau câu đã đông, bạn lấy ra và cắt thành các miếng vuông nhỏ.
5. Chè củ năng
Nguyên liệu nấu chè củ năng
- 100gr củ năng
- 200gr đường phèn
- 200gr dừa nạo
- 100gr bột năng
- Vài nhánh lá dứa
- 1 củ dền
- 1 hộp sữa tươi
Cách làm chè củ năng
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Củ năng rửa sạch, bỏ vỏ, cắt hạt lựu và chia làm 3 phần. Lá dứa cắt khúc cho vào máy xay với 100ml nước. Lọc lấy nước và bỏ xác.
Củ dền cũng xay lấy nước, lọc bỏ xác. Dừa nạo ngâm với 200ml nước ấm, vắt lấy nước cốt.
Cho hai phần củ năng vào nước lá dứa và nước củ dền ngâm trong khoảng 15 phút. Vậy là được hai phần hạt màu xanh, hồng. Phần củ năng còn lại cho bột năng vào lắc cho bột bám đều củ năng. Đây là phần hạt màu trắng. Vớt 2 phần hạt năng màu xanh, hồng đang ngâm kia ra cho ráo nước. Lắc từng phần qua bột năng. Cho 200gr đường phèn vào nấu với 400ml nước sôi cho tan ra, để nguội 5 phút và cất vào tủ lạnh.
Bước 2: Nấu chè củ năng đường phèn
Bắc nồi nước sôi luộc từng màu một. Xong vớt ra rửa qua nước nguội cho bớt dính. Ngâm từng màu vào một tô nước đường (vừa không dính lại ngấm đường nên sẽ rất ngon). Nấu nước chè như sau: cho 200ml nước dừa nạo vào đun sôi lăn tăn cùng 100ml sữa tươi, 70gr đường phèn, khuấy đều và tắt bếp.
Bước 3: Thưởng thức
Lần lượt cho các hạt màu, nước chè, nước cốt dừa và vài cục đá vào ly rồi thưởng thức.
Hi vọng rằng với 5 món chè mà Food.com.vn vừa chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm những gợi ý mới về các món chè trong mùa thu. Chúc các bạn thành công!