Gợi ý cách làm bánh nướng truyền thống tại nhà đơn giản tại nhà mùa dịch

Càng gần đến trung thu, rất nhiều người quan tâm đến bánh trung thu năm nay sẽ có kiểu gì, mua ở đâu, hãng nào. Tuy nhiên, cũng không ít chị em tự mày mò làm bánh trung thu truyền thống tại nhà. Food Review sẽ giới thiệu cho các bạn cách làm bánh nướng truyền thống tại nhà rất đơn giản và dễ làm. 

Tết Trung thu đã trở thành 1 trong những nét đẹp cổ truyền, không thể thiếu của người Việt Nam. Nhắc đến Trung thu, chúng ta nghĩ ngay đến những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, mâm cỗ ngày trung thu bên tiếng trống múa lân vui tai. 

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, bánh nướng, bánh dẻo có rất nhiều loại nhưng bánh nướng truyền thống vẫn là lựa chọn hàng đầu trong các mâm cỗ Trung thu bởi hương vị rất riêng của nó. 

Mùa trung thu năm nay khá đặc biệt bởi các tỉnh thành trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách, không khí trung thu cũng không còn sôi động, náo nhiệt. Vậy tại sao bạn không thử bắt tay vào làm 1 chiếc bánh nướng nhân truyền thống để cả nhà cùng thưởng thức. 

Chị Quỳnh Nhi, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ với công thức làm bánh trung thu nhân thập cẩm chuẩn hương vị bánh truyền thống trên facebook của mình. Công thức này được chị Quỳnh Nhi đã làm rất nhiều năm qua và đến cả người khó tính nhất cũng gật gù khen ngon.

Bánh nướng truyền thống do chị Quỳnh Nhi làm. 
Nhân bánh đậm đà, đầy đặn và bánh rất mềm. 

Theo chị Quỳnh Nhi, bánh trung thu nhân thập cẩm cần rất nhiều nguyên liệu và mất rất nhiều thời gian vì vậy các bạn nên chuẩn bị nhân sẵn sàng trước một ngày để đỡ mất thời gian và làm các khâu được gọn gàng.

Nguyên liệu làm bánh nướng truyền thống

Vỏ bánh

500gr bột mì đa dụng (11% protein)

20gr bột sư tử (không có bỏ qua)

300-320gr nước đường bánh nướng

30gr dầu ăn

45gr shotening hoặc mỡ heo

20gr bơ đậu phộng

2 lòng đỏ trứng gà

1/2mcf baking soda

Sốt trộn nhân

30ml nước tương

30ml dầu hào

90-100gr nước đường bánh nướng

45ml dầu ăn

30ml rượu mai quế lộ

45ml rượu trắng

15ml dầu mè

120gr bột bánh dẻo (bột nếp chín)

Với nhân thập cẩm gà quay lạp xưởng thì cần: 

200gr gà quay

150gr mỡ đường

15 trứng muối

200gr lạp xưởng

100gr hạt hạnh nhân hoặc hạt điều

100gr hạt dưa hoặc hạt hoa hướng dương

100gr mè rang

20 lá chanh

100gr mứt chanh hoặc mứt bí

100gr hạt bí

100gr mứt sen

100gr mứt vỏ cam

100gr mứt gừng đỏ

Cách làm bánh nướng truyền thống

Vỏ bánh

Bạn cho nước đường bánh nướng, dầu ăn, shoterning, lòng đỏ trứng gà, bơ đậu phộng, baking soda vào âu trộn đều đậy lại ủ nước đường trong khoảng 2 giờ đồng hồ. 

Sau khoảng 2 giờ, bạn rây 2 loại bột vào trộn đều. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý trộn đến khi bột đều là ngưng, không nhồi bột. Nhồi bột sẽ làm bột dễ bị chai. Đậy bột lại để bột nghỉ tiếp 2 giờ sau đó mới đóng bánh.

Nhân bánh

Bạn trộn hỗn hợp sốt trộn nhân trừ bột bánh dẻo, bột bánh dẻo sẽ cho vào sau.

Gà quay xé sợi, còn lạp xưởng Mai quế lộ luộc qua hoặc quay lò vi sóng 1 phút rồi cắt hạt lựu. Mứt sen, mứt bí, mứt gừng cắt nhỏ, trước khi cắt rủ bỏ bớt đường. Các loại hạt sống như hoa hướng dương, hạnh nhân, hạt điều nướng ở nhiệt độ 170 độ C trong khoảng 6 phút.  Mè trắng bạn rang vàng thơm.

Lá chanh rửa sạch, để ráo, cắt sợi mỏng cho vô cuối cùng Tất cả các nguyên liệu các bạn cắt nhỏ nhưng đừng xay, xay nát nhân sẽ không ngon. 

Bột bánh dẻo là bột nếp đã rang chín dùng để làm bánh dẻo, bột nhiều loại có mùi nồng vì vậy nên dùng loại không mùi sẽ ngon hơn để nhân bánh không bị át mùi bột bánh dẻo

Bạn cho gà quay, mỡ đường, lạp xưởng, các loại mứt, các loại hạt, mè rang vào 1 âu lớn, trộn thật đều sau đó cho hết sốt trộn nhân vào, trộn và bóp kỹ để nhân nghỉ khoảng 1 tiếng cho nhân có thời gian ngấm đều gia vị. 

Sau 1 giờ đồng hồ cho hết bột bánh dẻo vào. Khâu này rất quan trọng và các bạn phải bóp nhân cho thật kỹ. Càng bóp các nguyên liệu sẽ càng kết dính lại với nhau nghĩa là càng bóp nhân sẽ càng dẻo. Bạn không nên viên nhân liền mà đậy lại để nhân nghỉ ít nhất là 30 phút hoặc 1 tiếng. Thời gian nghỉ rất quan trong vì bột nếp chín có thời gian nở ra hoàn toàn, bột nếp chín là nguyên liệu dùng để kết dính nhân vì vậy không được bỏ qua bước này.

Sau thời gian để bột nếp chín nở ra hoàn toàn, bóp nhân lại 1 lần nữa rồi cho lá chanh cắt sợi vào trộn đều và bắt đầu viên nhân. Với số nguyên liệu này làm được 15 bánh 180gr. Khi lấy nhân, nên lấy từ dưới lên trên vì trong nhân có một số loại hạt nặng có thể sẽ rơi hết xuống đáy vì vậy lấy từ dưới lên trên cho nhân được đều. 

Viên nhân xong kiểm tra cân bột chia bột ra 15 viên. Với bánh 150gram, 175gram hoặc 180gram sẽ làm tỉ lệ vỏ bánh 60gram nhân 120gram. Còn bánh 200gram thì vỏ bánh 70gram nhân 130gram. Bánh 250gram thì vỏ bánh 90gram nhân 160gram.

Vo viên bột vài vòng sau đó ấn dẹt ra cho nhân vào chính giữa một tay ấn nhân xuống và 1 tay xoay vỏ bánh. Bạn cần xoay cho vỏ bánh ôm đều lấy nhân không cho không khí lọt vào trong. Nếu bên trong bánh có không khí khi nướng bánh rất dễ bị phồng chân. Trong trường hợp bánh của các bạn có không khí bên trong để khắc phục các bạn dùng một cây tăm xăm đều quanh vỏ bánh sau đó vo tròn lại. 

Nướng bánh

Lần 1: bạn nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 12 phút. Nướng nhiệt thấp thì bánh không chín, nướng nhiệt cao thì bánh dễ nứt mặt.  Một lưu ý rất quan trọng cho các bạn là nướng lần 1 bánh phải chín, nếu lần 1 các bạn nướng bánh không chín coi như mẻ bánh không đạt. Nướng xong lần 1 lấy ra ngoài để cho bánh thật nguội, không cần xịt nước. 

Chuẩn bị hỗn hợp quét mặt gồm

1 lòng đỏ trứng gà

1/2 lòng trắng trứng

1 muỗng cà phê dầu mè

2 muỗng cà phê nước

Bạn quấy đều lên sau đó lọc qua rây cho hỗn hợp được mịn. Khi nào bánh nguội dùng cây cọ nhỏ quét một lớp thật mỏng lên bánh, quét dày bánh dễ bị mất nét và không còn đẹp. Khi đã quét mặt xong bỏ vào lò nướng tiếp 180 độ C trong 7 phút.

Sau lần nướng thứ hai nếu các bạn thấy bánh lên màu đẹp rồi thì thôi còn nếu màu chưa ưng ý các bạn quét mặt và nướng thêm lần thứ 3 trong 5 phút nữa. Bánh nướng xong để nguội hoàn toàn mới đóng gói, bánh còn ấm đóng gói sẽ nhanh bị mốc. 

Với công thức này, bánh của bạn sẽ bánh mềm ngon và lên màu đẹp sau 2 hoặc 3 ngày. Bánh trung thu tryền thống không chỉ là món ăn cổ truyền trong ngày Tết trung thu mà còn là một vật phẩm dùng để biếu người thân trong dịp trung thu. Hi vọng công thức của chị Quỳnh Nhi được Food Review chia sẻ sẽ giúp bạn có những chiếc bánh nướng truyền thống ngon lành. Chúc các bạn thành công! 

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật