Chi tiết cách làm bánh trôi, bánh chay ngon miệng cho Tết Hàn thực

Vào Tết Hàn thực (ăn đồ lạnh) diễn ra vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng bày lên bàn thờ gia tiên, lễ Phật, lễ ông bà đã khuất, thể hiện tấm lòng hiếu thảo và tưởng nhớ cội nguồn. Một trong những món lễ vật không thể thiếu trong dịp lễ tết này là bánh trôi, bánh chay.

Tại sao trong dịp Tết Hàn thực phải cúng bánh trôi, bánh chay? Chi tiết cách làm bánh trôi, bánh chay như thế nào vừa bắt mắt lại ngon miệng? Hãy cùng Food Smile tìm hiểu nhé!

Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong tết Hàn thực? 

Khác với phong tục ăn mừng tết Hàn thực ở Trung Quốc, người dân Việt Nam không kiêng lửa hay kiêng nấu ăn trong ngày này, mọi sinh hoạt đều được diễn ra bình thường. Đặc biệt, các gia đình sẽ bày biện một mâm cúng, trong đó có món bánh trôi, bánh chay, với ý nghĩa tượng trưng cho hàn thực (đồ ăn lạnh - nguội).

Bánh trôi, bánh chay trong tết Hàn thực có nhiều ý nghĩa văn hóa tốt đẹp khác nhau.

Hướng về cội nguồn

Ngày tết Hàn thực ở Việt Nam mang ý nghĩa tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nhớ về cội nguồn. Việc cúng bánh trôi, bánh chay nhằm thể hiện lòng hiếu thảo và sự chân thành của con cháu đối với những bậc bề trên, những người đã khuất trong gia đình. 

Ý nghĩa cúng Tết Hàn thực là hướng về cội nguồn và tưởng nhớ tổ tiên

Truyền thống dân tộc

Như chúng ta đã biết, bánh trôi, bánh chay là những món ăn quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, được làm từ bột nếp thơm ngon. Bánh trôi có hình dạng tròn, bên ngoài trắng, bên trong có nhân ngọt, được luộc trong nước sôi và vớt ra khi chín. Còn bánh chay thì có dạng tròn dẹt, không có nhân, ăn cùng nước đường. 

Bánh trôi, bánh chay là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam

Khơi gợi chuyện xưa

Ít ai biết, món bánh trôi, bánh chay trong ngày tết Hàn thực còn mang ý nghĩa khơi gợi chuyện xưa. Hình ảnh tròn nhỏ của vô số chiếc bánh trôi trắng trong còn mang đến sự liên tưởng về những quả trứng trong chiếc bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ năm xưa. Từ đó, hai món bánh này giúp ôn chuyện cũ, nhắc cho chúng ta nhớ về truyền thống và nguồn cội Con rồng cháu tiên, vốn đã trở thành nét văn hóa lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt. 

Bánh trôi tròn khơi gợi hình ảnh trăm trứng của mẹ Âu Cơ năm xưa

Chi tiết cách làm bánh trôi, bánh chay ngon miệng cho tết Hàn thực

Nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay 

Để làm món bánh trôi, bánh chay bắt mắt và ngon miệng, bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu như sau:

- 200g bột nếp

- Đường (khoảng 12-14 viên nhỏ) 

- Muối

- 30gr đậu xanh đã cà vỏ

- Vừng trắng

- Nước cốt dừa

- Bột năng hoặc bột sắn

Nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay

Lưu ý nhỏ: 

+ Để bánh mềm dẻo thơm ngon, các bạn nên mua loại gạo nếp ngon, khi mang về thì ngâm nước qua đêm rồi xóc thêm vào tí muối, sau đó mang đi xay thành bột

+ Bạn có thể thử tìm mua loại đường viên chuyên dùng làm bánh trôi, bánh chay. Nếu không thì có thể thay thế bằng đường thốt nốt, hoặc đường mía đều được. 

+ Với phần nguyên liệu ở trên, bạn có thể làm được 1 bát bánh chay và 1 đĩa bánh trôi nhỏ

Cách làm bánh trôi, bánh chay chuẩn vị truyền thống

Bước 1: Chuẩn bị bột làm bánh trôi, bánh chay

Bột nếp sau khi mua về, cho vào một cái tô lớn. Dùng nước ấm khoảng 50 - 60 độ C, cho từ từ vào bột, sau đó nhồi lại thành một khối dẻo mịn. Bạn nên chú ý cho nước vào từng chút một để tránh tình trạng bột nếp bị nhão. Nhồi bột cho đến khi khối bột trở nên dẻo quánh, cầm chắc tay, không bị quá khô mà cũng không quá nhão. 

Sau khi nhồi bột xông, sử dụng màng bọc thực phẩm để bọc kín tô bột lại, ủ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. 

Bột nếp là một trong những nguyên liệu quan trọng để làm bánh trôi, bánh chay ngon

Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh trôi

- Nhân đậu xanh:

Để làm phần nhân bánh trôi, bạn nên mua loại đậu xanh đã cà vỏ sẵn, như thế sẽ đỡ mất thời gian hơn. Đậu xanh sau khi rửa sạch, bạn hấp trong khoảng 30 phút. Trước đó, bạn cũng có thể ngâm đậu trước, như thế sẽ giảm thiểu được thời gian hấp đậu.

Sau khi hấp đậu chín, bạn dùng muỗng tán nhuyễn đậu, sau đó cho vào chảo chống dính sên cùng đường, muối, nước cốt dừa đã chuẩn bị sẵn, để lửa nhỏ. Bạn cứ sên cho đến khi phần nhân đậu hòa quyện với cái ngọt thơm của đường và nước cốt dừa là được. 

Sau khi phần nhân đậu nguội, bạn có thể vo thành viên nhỏ vừa ăn, khi vo nhớ xoa chút dầu ăn lên tay để phần nhân đỡ dính vào tay. 

Nhân đậu xanh của bánh trôi 

- Nhân đường: 

Bạn có thể cắt đường thành viên nhỏ để làm nhân bánh trôi, thay cho nhân đậu xanh tùy ý.

Bước 3: Tạo hình bánh trôi, bánh chay 

- Tạo hình bánh trôi: 

Đợi bột ủ xong dẻo dai và mềm mịn hơn, bạn lấy ra vo thành viên tròn, sau đó ấn một lỗ nhỏ vừa đủ đặt viên nhân đậu xanh viên vào. Lúc này, bạn khéo léo tạo hình sao cho phần vỏ bánh ôm trọn phần nhân bên trong một cách hoàn hảo nhất, tránh tình trạng bị vỡ khi nấu. Sau khi vo viên, bạn có thể đặt những viên bánh trôi đã tạo hình trên khay. Nhớ rắc một ít bột lên khay trước để bánh không bị dính nhé.  

- Tạo hình bánh chay:

Để làm bánh chay, bạn chia khối bột ra làm nhiều phần nhỏ đều nhau, sau đó nặn hình bánh hơi dẹt một chút. 

Tạo hình bánh trôi là một bước quan trọng để bánh tròn vẹn không bị vỡ

Bước 4: Luộc bánh trôi, bánh chay

Để luộc bánh, bạn nấu một nồi nước sôi và thả lần lượt từng viên bánh trôi, bánh chay vào, nên chú ý thả nhẹ nhàng để bánh không bị vỡ. Đợi đến khi bánh chín, vớt ra cho vào tô nước lạnh. 

Bánh trôi, bánh chay được luộc chín và vớt ra bát nước lạnh

Bước 5: Nấu nước bánh trôi, bánh chay

Bạn hòa tan bột năng/ bột sắn dây vào nồi với nước và 100gr đường, sau đó đặt lên bếp đun sôi sao cho hỗn hợp sánh, mịn và thơm dậy mùi. Múc bánh trôi, bánh chay ra bát và cho nước vào cùng, rắc thêm một tí vừng hoặc một vài sợi dừa nạo (nếu có) để trang trí. 

Sau khi hoàn thành, trang trí bánh trôi cùng với mè và dừa sợi bắt mắt

Ghi chú: bạn cũng có thể thêm củ dền, lá dứa vào lúc trộn bột để tạo màu sắc độc đáo cho bánh, giúp đĩa bánh trôi, bánh chay thêm phần bắt mắt. 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật