Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ tháng 1 đạt gần 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021.
Các thị trường xuất khẩu cá ngừ ghi nhận tăng mạnh 2 tháng đầu năm gồm: Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập.
Các sản phẩm thịt/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là “điểm sáng” trong xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu thịt/philê cá ngừ đông lạnh và cá ngừ hấp đông lạnh sang các thị trường tăng cao ở mức 3 con số, lần lượt là 172% và 278% so với cùng kỳ.
Trong nhóm các thị trường, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu trong tháng 1.
Tương tự Mỹ, các nước EU là khách hàng tiềm năng của cá ngừ Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục 2 tháng qua.
Trong đó, Hà Lan và Lithuania dẫn đầu khối EU về giá trị nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam với tốc độ tăng rất mạnh lần lượt là 243% và gần 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ cũng khởi sắc trở lại trong tháng đầu năm 2022.
Đơn cử, xuất khẩu sang Canada, Peru và Chile, tăng lần lượt là 26% và 2.289% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường Việt Nam, tỉnh Khánh Hoà tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu cá ngừ với giá trị gần 40 triệu USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất cá ngừ của cả nước.
Đứng sau Khánh Hòa là tỉnh Bình Định, Phú Yên, TP.HCM và Bình Dương.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022, ngành cá ngừ còn phải đối mặt nhiều thách thức như giá cước vận chuyển tăng, giao thương hàng hóa, dịch Covid-19, quy định kiểm dịch gắt gao từ các quốc gia…