Những ngày gần đây, trên thị trường tràn lan các loại sâm Hàn Quốc được rao bán với giá rẻ nhưng nguồn gốc và chất lượng khó kiểm chứng.
Dạo quanh các hội nhóm trên Facebook, dễ dàng thấy các tài khoản rao bán sâm chuẩn “Hàn” với giá chỉ 500.000 đồng/kg. Gắn kèm với các bài post là công dụng của sâm như tăng đề kháng, cải thiện sức khỏe, đặc biệt cả…kháng bệnh Covid-19.
Hoặc tại trang “Sâm tươi Hàn Quốc”, sâm sáu tuổi có giá 1,4 triệu đồng/kg loại 10 củ, khoảng 3 triệu đồng/kg loại 2 củ.
Một trường hợp khác là một người tự giới thiệu đang sống ở Hàn Quốc báo giá sâm 2,2 triệu đồng/kg 2 củ 6 năm tuổi, giá các loại sâm khác chỉ trên dưới 1 triệu đồng/kg.
Đáng chú ý, các trang bán sâm tươi Hàn Quốc trên chợ mạng đều sử dụng hình ảnh sâm được đựng trong rổ có màu vàng ươm, lót giấy có chữ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi mua hàng về sâm lại có màu trắng bệch hoặc vàng pha trắng, củ bị xốp.
Một tiệm thuốc đông y tại quận 5 (TP.HCM) chuyên bán các loại sâm khô, sâm ngâm rượu cũng với giá rất rẻ. Theo ghi nhận, sâm khô Hàn Quốc có giá 2,5 triệu đồng/kg (khoảng 40 củ) và loại đựng trong hộp hiệu Heaven có giá 1,5 triệu đồng/600g.
Tuy nhiên, đây là các loại sâm không có nhãn mác, chủ cửa hàng sâm chia sẻ các loại trên đều là hàng xách tay nên có giá rẻ.
Công ty cổ phần Trường Xuân Thịnh (nhà phân phối độc quyền thương hiệu sâm Cheong Kwan Jang, Hàn Quốc) cho rằng hiện nay trên thị trường, tình trạng sâm giả, sâm kém chất lượng núp bóng dưới hình thức xách tay đang ngày càng phổ biến.
Theo đó, sâm nhập khẩu chính ngạch, đúng hàng từ Hàn Quốc sẽ do Bộ Y tế cấp phép, có tem chống giả của Bộ Công an, có mã cào để người dùng soạn tin đối chiếu và có nhãn phụ sản phẩm...
Một số chuyên gia Y tế cho rằng, không dễ để có thể bảo quản sâm, nhất là sâm tươi. Cần phải có kỹ thuật và phải sơ chế, bảo quản đúng cách.
Do đó, sâm sau khi được thu hoạch nhà sản xuất sẽ sơ chế ngay để giữ được thành phần dinh dưỡng có trong sâm, bảo quản kỹ và xuất đi dưới dạng khô.
Sâm tươi thường được dùng trực tiếp tại Hàn Quốc để đảm bảo còn đủ chất. Do đó, khi về đến Việt Nam dưới dạng tươi, không đủ tuổi, sâm không còn nhiều hoạt chất và sẽ giống rau nhiều hơn.
Từ những thông tin trên có thể thấy, loại sâm Hàn Quốc được bán rẻ trên mạng có thể là loại không đủ tuổi, bị ngập nước, bị sâu rầy hoặc có thể bị trộn với sâm Trung Quốc. Vì nếu đúng là củ sâm Hàn Quốc sẽ có giá rất cao.
Hiện ở các vùng biên giới, sâm Trung Quốc tràn về rất nhiều. Do đó, người tiêu dùng đừng vì ham rẻ mà chọn mua hàng trôi nổi, không có tác dụng, đồng thời có thể gây hại cho sức khỏe.