Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, khu vực miền Bắc, miền Trung, đặc biệt thị trường Hà Nội tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.
Tính đến 18h00 ngày 25/8, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho 2.192 xe ôtô và cấp mã số xác nhận cho 9.869 xe mô tô, xe 2 bánh cho 250 doanh nghiệp, đơn vị theo danh sách của Sở Công Thương.
Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân như cửa hàng tiện lợi, siêu thị thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…,
Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội để mở 472 điểm bán hàng thiết yếu. 11 quận, huyện đã triển khai 57 điểm bán hàng lưu động.
Bên cạnh đó, các quận huyện bắt đầu triển khai một số mô hình cung ứng nhu yếu phẩm như, lập nhóm Zalo cho người dân đặt mua hàng với các đơn vị phân phối, tổ chức các điểm bán hàng dã chiến… Tổ chức Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo trên địa bàn.
Đến nay, đã tổ chức được 11 điểm siêu thị 0 đồng, sẽ tiếp tục mở 6 điểm (tổng số 17 điểm trên toàn Thành phố).
Hiện chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu. Tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường cũng ổn định.
Các mặt hàng thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh ổn định. Mặt hàng khẩu trang y tế, thuốc sát trùng, nước rửa tay tương đối dồi dào, không có biến động.
Nhiều hệ thống phân phối cũng cho biết không thiếu hàng, sẵn sàng linh động theo thị trường. Nhưng do đặc thù hàng hóa có hạn sử dụng ngắn nên đơn vị có thể giảm nguồn cung hàng tươi sống để đo lường sức mua, khi cần sẽ tăng lại ngay.