Giá tôm, thịt lợn, gia cầm, hoa quả đồng loạt rớt giá “thảm” nguyên nhân do đâu?

13 tỉnh đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) là trung tâm thuỷ sản của cả nước, tuy nhiên do dịch bệnh giá tôm liên tiếp giảm, giá cá tra thương phẩm và giống xuống chỉ còn 21.000-23.000đ/kg. Nếu kéo dài, nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm lộ rõ do không kích thích được tái sản xuất.

Giá tôm giảm liên tiếp

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo về tình hình sản xuất các tỉnh phía Nam trong bối cảnh giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.

Theo Tổ công tác, 13 tỉnh đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra.

Mặc dù, khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, về ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương dù đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Cụ thể,​ ​giá tôm liên tiếp giảm, giá cá tra thương phẩm và giống xuống chỉ còn 21.000-23.000đ/kg. Nếu kéo dài, nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm lộ rõ do không kích thích được tái sản xuất.

Được biết, số doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở. Trong đó, số DN phải dừng sản xuất do có ca nhiễm Covid-19 là 19 cơ sở và 104 cơ sở phải dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ.

Như vậy, còn lại 326 trong tổng số 449 (chiếm 65%) cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất. Song, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ đạt khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng chỉ thị 16.

Ngoài ra, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi ngưỡng 50.000–54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước); Thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp hơn 10.000 đồng/kg; Thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28000 đồng/kg (giảm 19,1-19,2%)...

"Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao, càng làm cho người chăn nuôi khó khăn.

Bởi vậy, với việc TP. HCM và các tỉnh phía Nam đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021, các doanh nghiệp sẽ thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh”, Tổ công tác 970 khẳng định.

Giá hoa quả, giá trái cây rớt thảm

Giá thanh long cũng bị rớt sâu do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu.
Giá thanh long cũng bị rớt sâu do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu (Ảnh minh hoạ).

Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long, ngay lập tức giá thu mua trái thanh long trên nhiều tỉnh, thành phố đã rớt rất sâu.

Bên cạnh những khó khăn trên, Tổ này cũng cho biết, một số cây ăn quả vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa.

Đơn cử, cây thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Với thanh long ruột trắng, giá bán tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng/kg; Thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg.

Hay quả nhãn, dù đang chính vụ nhưng tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm bằng khoảng 50% so với năm trước.

“Với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao”, Tổ 970 đánh giá.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.

Đồng thời, giảm 50% chi phí cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” và 20% chi phí mua vật tư sản xuất chăn nuôi.

Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - cho biết giá tôm giảm còn do nguyên nhân các nhà máy giảm công suất chế biến xuống còn khoảng 30% so với trước đây. 

"Tất cả chi phí đầu vào đều tăng mạnh, kể cả phí vận chuyển container. Trong lúc khó khăn, các nhà máy chế biến tôm tìm nhiều cách để hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp. Cố gắng giữ giá tôm tương đối tốt để người nuôi lạc quan, mạnh dạn đầu tư thì nhà máy mới có nguyên liệu chế biến, xuất khẩu", ông Lực cho hay.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật