Hầu như ai cũng biết công thức chung cho một bữa ăn truyền thống của người Hàn Quốc luôn bao gồm: cơm, canh, món chính, món phụ và không thể thiếu được là món quốc hồn quốc tuý là Kim chi. Quy tắc vàng này cũng được áp dụng cho hầu hết các bữa ăn trưa tại các trường học mọi cấp bậc trên đất nước Hàn Quốc nói chung.
Trẻ em từ 3 - 5 tuổi sẽ được gia đình cho đi mẫu giáo, nhằm giúp các bé làm quen với những môn học cơ bản và nề nếp mới, cũng như thay đổi những thói quen sinh hoạt chung sao cho phù hợp trước khi các bé vào lớp 1. Như từ mẫu giáo trở đi các bé sẽ được tập bỏ thói quen ngủ trưa khi còn ở nhà trẻ vì người Hàn không ngủ trưa; giờ chơi sẽ ít lại, giờ học nghiêm túc sẽ nhiều hơn với thời gian mỗi tiết học được kéo dài dần.
Tuỳ vào chế độ mỗi trường, mỗi ngày, các bé được phục vụ 2-3 bữa ăn như 2 bữa ăn phụ vào buổi sáng và chiều và 1 bữa ăn chính vào buổi trưa.
Ngày 3 bữa, các bé cùng giáo viên chủ nhiệm của mình và 1 cô bảo mẫu sẽ cùng ngồi ăn với nhau trong cùng 1 phòng. Mỗi ngày cô giáo sẽ chọn 1-2 bé ngồi cạnh. Các bé sẽ tập gắp thức ăn để phân chia cho các bạn khác. Để thể hiện tính thống nhất và công bằng, cả cô và trò cùng ăn chung khẩu phần ăn giống nhau.
Trong tình hình dịch bệnh, các bé luôn phải tuân theo quy định đeo khẩu trang cho đến khi từng người trong lớp đã được nhận suất ăn của mình, ngồi ngay ngắn, và cùng hát xong bài hát “Mời cô xơi cơm” thì mới được tháo khẩu trang ra ăn. Các bé nào ăn xong trước cũng phải đeo khẩu trang lại và chờ đến khi được phát trái cây tráng miệng. Nếu các bé muốn ăn thêm phải đeo khẩu trang lại để lên lấy thêm thức ăn.
Sau khi ăn xong, các bé tự mang khay lên cho cô giáo xem đã ăn sạch khay chưa ròi mới tự dọn dẹp chỗ ăn. Cô giáo sẽ nhắc các bé rằng các cô cấp dưỡng đã vất vả như thế nào để nấu bữa ăn này nếu các bé cố tình để thừa mứa hoặc vứt bỏ thức ăn. Với các bé đã ăn xong bữa, sau khi tự dọn sạch chỗ ăn, các bé tự giác đi đánh răng, rửa miệng sạch sẽ rồi mới được làm việc khác.
Văn hoá Hàn Quốc mang tính cộng đồng, đoàn kết rất cao, điều đó thể hiện không chỉ trong ngôn ngữ, tư tưởng mà cả trong các bữa ăn của các giáo viên và học sinh. Mọi người, kể cả hiệu trưởng, viện trưởng đều cùng ăn những suất ăn giống nhau.
Thực đơn các bữa ăn đều bảo đảm đủ dinh dưỡng và được lập ra bởi chuyên gia dinh dưỡng của trường. Cũng giống ở Việt Nam, thực đơn mỗi tháng được công khai chi tiết và gửi cho các phụ huynh. Buổi sáng và xế chiều thì tuy rất đơn giản, nhưng cũng khá đa dạng, ví dụ: ngũ cốc và sữa, các loại cháo, các loại soup, cơm trộn vo viên, sandwich, bánh bao, mandu, pasta, các loại bánh ngọt bánh mặn.
Thực đơn cho buổi trưa được thay đổi liên tục và tuân theo nguyên tắc vàng với ít nhất 1 cơm, 1 canh, 1 món thịt hoặc các, 1 món rau, kim chi và 1 loại trái cây.
Cơm cũng không chỉ là cơm trắng đơn thuần mà sẽ được trộn với các loại đậu, gạo lứt, hoặc hạt ngũ cốc. Tại các trường mẫu giáo, ngày 15 hàng tháng được quy định là ngày sinh nhật chung cho các bé có sinh nhật vào tháng đó. Trong ngày này, thực đơn chắc chắn sẽ có món canh sinh nhật quốc dân là canh rong biển, gà rán, bánh kem.
Từ những bữa ăn này, người Hàn Quốc đã được giáo dục rất nhiều như trước khi ăn và sau khi ăn, người Hàn luôn có lời mời và cảm ơn về bữa ăn, kể cả trong bữa cơm thân mật với gia đình bạn bè. Thói quen này được rèn ngay cho các bé ở nhà trẻ. Đối với các nước khác, ngoại trừ Nhật Bản, có lẽ văn hoá này nghe có vẻ rườm rà và quá khách sáo. Nhưng một khi đã trở thành những thói quen hàng ngày thì điều đó sẽ được diễn ra một cách tự nhiên, không có sự miễn cưỡng, gượng gạo.
Người Hàn luôn đánh răng cả sau khi ăn trưa. Vì vậy, họ luôn mang theo set bàn chải và kem đánh răng cá nhân bên mình. Đa số người Việt quan niệm rằng chỉ cần phải gặp nha sĩ khi răng thật sự có vấn đề nghiêm trọng. Nhưng người Hàn đi nha khoa định kì để chăm sóc răng từ bé, và họ không nghĩ nha khoa chỉ là nơi để chữa bệnh về răng mà còn là để duy trì sức khoẻ và làm đẹp.