Gia đình nhà chị Thúy, sinh sống ở Phan Thiết có 1 giàn mướp đắng rất sai và trĩu quả. Chị cho biết, những trái khổ qua treo lủng lẳng...là nguồn năng lượng tươi đẹp với chị. Mỗi sáng sớm mai bước ra vườn, trong những tia nắng vàng rực rỡ là một giàn khổ qua (mướp đắng) nho nhỏ với rất nhiều hoa vàng xinh xắn, bên dưới là những trái treo lủng lẳng, đung đưa theo gió.
Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng, một loại quả có vị đắng, có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ nên nhà chị Thúy rất thích trồng nó. Theo chị, trồng mướp đắng khá đơn giản, bạn chỉ cần lưu ý 1 số điều. Với quy trình ủ hạt, bạn ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong thời gian 5 – 6 giờ, rồi ủ hạt trong khăn ẩm.
Khi hạt nứt nanh sau đó gieo hạt vào chậu đất ẩm, khoảng 4-5 ngày sẽ lên cây con. Bạn để cho cây phát triển khoảng 2-3 tuần thì bạn chọn những cây khoẻ để trồng vào chậu hoặc trồng trực tiếp vào đất.
Bạn nên tưới cây thường xuyên, 1 ngày 2 lần để đất luôn ẩm cho cây phát triển tốt. Khi cây được 3 – 4 lá tthì cần làm giàn cho cây leo. Có thể làm giàn trước khi cây có tua, có thể thiết kế giàn sao cho phù hợp với không gian trống của nhà bạn. Nhà chị Thúy chỉ lấy mấy cành cây khô rồi lấy miếng lưới giăng lên phía trên. Khi cây leo giàn đều cần sửa dây để dây phân bố đều giàn và tỉa bỏ nhánh nhỏ, giúp hạn chế sâu bệnh và giúp giàn thông thoáng, để cây nhận được nhiều ánh sáng, tổng hợp nhiều chất hữu cơ nuôi cây.
Nhà chị Thúy chỉ bón phần chuồng (phân bò) hoai mục vào lúc trồng cây xuống đất và 1 lần nữa lúc cây ra quả. Khi cây mướp đắng bắt đầu ra trái nhỏ thì mình dùng bao túi lọc để bọc từng quả, để khỏi bị ruồi vàng làm hư trái. Khổ qua trồng khoảng 1,5 tháng là sẽ có quả, cho thu hoạch. Khổ qua có thể làm được rất nhiều món ăn như khổ qua nhồi thịt hầm, khổ qua xào trứng, khổ qua nấu canh sườn, khổ qua làm nộm, khổ qua kho nấm, khô qua kho tàu hủ, khổ qua nấu cá thát lát.