Học cách gói bánh chưng bằng tay từ ông bà đảm bảo đẹp 100%

Mỗi dịp Tết đến Xuân về là người người, nhà nhà lại cảm thấy hân hoan hơn hẳn ngày thường. Công tác chuẩn bị trước Tết đặc biệt được chú ý để giữ lại hương vị truyền thống một cách trọn vẹn. Trong đó làm bánh chưng và trông nồi bánh chưng là một trong những hoạt động đẹp vẫn đang được duy trì vào ngày 28,29, 30 Tết. Ý nghĩa là thế nhưng nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng họ không biết cách gói bánh chưng bằng tay như ông bà ta ngày xưa!

Gói bánh chưng bằng tay đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ

Ông bà ta ngày xưa thường gói bánh chưng bằng tay chứ không sử dụng khuôn gỗ như bây giờ. Việc sử dụng khuôn gỗ giúp quá trình gói bánh nhanh hơn nhưng gói bánh bằng tay thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế của người gói bánh hơn.

Thực tế là không phải nhà nào cũng sẵn sàng khuôn gỗ gói bánh nên khi biết cách gói bánh chưng bằng tay thì bạn có thể xử lý được những tình huống khó khi phải làm bánh mà không có khuôn gỗ.

Một chiếc bánh chưng được gói bằng tay đạt chuẩn

Gói bánh chưng bằng tay đòi hỏi sự tập trung của người làm bánh. Vẫn là những chiếc lá dong dài, lạt giang mềm mại, gạo nếp nương thơm phức, đỗ xanh thơm ngọt… nhưng đôi tay người làm bánh phải hoạt động nhiều hơn, đầu óc cần tính toán chi tiết các khoảng cách trên lá… để có những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt.

Học cách gói bánh chưng bằng tay từ ông bà

Nguyên liệu gói bánh chưng ở miền nào cũng giống nhau. Bánh chưng là sự kết hợp của gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt ba chỉ, hạt tiêu… và một số gia vị khác. Bánh chưng mỗi vùng miền khác nhau ở hình dáng và cách gói bánh. Có nhiều cách gói bánh chưng bằng tay nhưng cách được chia sẻ dưới đây là cách đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được.

Bước 1: Bạn cần chuẩn bị 4 lá dong cho mỗi chiếc bánh chưng. Đầu tiên bạn xếp 2 lá vuông góc với nhau sao cho mặt phải úp xuống dưới sau đó đặt 2 lá còn lại vuông góc với nhau lên trên nhưng quay mặt phải để ngửa lên. 2 mặt lá bên trên được sắp xếp như vậy sẽ giúp bánh có màu xanh đẹp mắt.

Cách đặt lá gói bánh chưng

Bước 2: 1 bát con gạo nếp là đủ cho lớp bánh đầu tiên. Bạn đổ gạo vào giữa lá và san đều ra, có thể san hình vòng tròn hoặc hình vuông. Đỗ xanh đã được hấp chín và nắm từ trước được đặt lên trên phần gạo nếp. Trên đỗ xanh là một hoặc hai miếng ba chỉ đã được tẩm ướp. Trên lớp thịt là một lớp đỗ xanh tương tự lớp thứ hai. Trên cùng là một bát con gạo nếp để bao kín phần đỗ xanh và thịt vừa sắp xếp.
Bước 3: Bước gói bánh này sẽ làm khó rất nhiều người vì phải căn ke chính xác. Bạn lần lượt gấp lá dong bên phải và bên trái trước. Lưu ý ở bước này là bạn phải gấp thật chắc tay thì bánh chưng sẽ đẹp và vuông vắn. Nếu lá bánh thừa thì bạn gấp lèn vào bên trong hoặc dùng kéo cắt đi cho đẹp.

Cách gói bánh chưng bằng tay

Bước 4: Bánh chưng có vuông và đẹp hay không phụ thuộc vào việc bạn gấp lá ở 2 phần còn lại. Ông bà ta thường dùng 2 ngón của mỗi tay bóp lá dong của phần trên vào trong rồi gập lại trong khi ngón cái vẫn cố định phần lá đã gấp ở bước 3. Cạnh vuông còn lại của bánh chưng được thực hiện tương tự.

Bước 5: Lúc này bánh chưng đã thành hình vuông. Nếu thành phẩm đã đạt bạn dùng 4 chiếc lạt để buộc bánh còn ngược lại thì cần căn chỉnh lại các cạnh của bánh. Việc buộc bánh là giai đoạn dễ nhất trong cách gói bánh chưng bằng tay nên chắc chắn ai cũng sẽ làm được từ lần đầu tiên!

Như vậy là chúng ta đã có những chiếc bánh chưng được gói bằng tay! Một chiếc bánh chưng vuông đạt chuẩn phải vuông vắn ở bên ngoài, bên trong các lớp bánh được sắp xếp đúng, lượng vừa đủ, bánh phải được buộc chắc tay, không lỏng cũng không quá chật.

Cách gói bánh chưng bằng tay được ông bà chia sẻ thực ra cũng không quá khó đúng không? Thực tế là không có nhiều người thành công ngay với lần gói bánh đầu tiên đâu nên đừng nản lòng khi mới bắt đầu nhé. Hãy chia sẻ với Food.com.vn những chiếc bánh chưng gói tay của bạn trong Tết này nha.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật