Những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử đang đến với mỗi người con Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi nào, mỗi người con Việt Nam đều không khỏi bồi hồi xúc động nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình về lịch sử hào hùng của dân tộc khi đến gần ngày Tết Độc lập. Cũng trong những ngày lịch sử này, hàng năm người dân cả nước đều đổ xuống đường, cùng chung hưởng niềm vui của cả dân tộc.
Người Việt Nam thường trọng đạo vì vậy đến ngày Quốc khánh 2/9 rất nhiều người thắc mắc có nên thắp hương hay phải làm mâm cơm thắp hương trên ban thờ hay không?
Tùy tâm thờ cúng, tỏ lòng thành với tổ tiên và những người đã khuất
Trong ngày 2/9, hoặc trước đó 1 ngày là ngày 1/9, tại Hà Nội, thông thường lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn tại các tỉnh, thành phố khác, lãnh đạo thành phố cũng dâng hưởng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc tại các nhà tưởng niệm. Ngoài ra, tại các Nghĩa trang liệt sĩ, lãnh đạo các tỉnh thành cũng đến dâng hương tưởng nhớ.
Có thể nói, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã in sâu, bám rễ vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, rất nhiều gia đình, ngoài ban thờ gia tiên, còn có cả ban thờ Bác Hồ. Cũng trong ngày Quốc khánh 2/9, nhiều gia đình Việt Nam đã thắp hương để tưởng nhớ người đã khuất. Đặc biệt, nhiều gia đình có thờ Bác Hồ, hoặc có gia đình là liệt sĩ, phong tục thắp hương, làm mâm cơm cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã trở thành 1 thói quen.
Tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình, chúng ta có thể bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ tiên bằng cách thắp hương tưởng nhớ. Trên ban thờ, chúng ta có thể để hoa quả. Nếu có điều kiện hơn, chúng ta có thể làm 1 mâm cơm thắp hương, nhưng nếu không có điều kiện thì chúng ta chỉ cần thắp hương để tưởng nhớ.
Làm cơm cúng cùng tùy thuộc và hoàn cảnh và tín ngưỡng mỗi người. Chúng ta có thể làm cơm chay hoặc cúng mặn.
Không có ban thờ Bác Hồ có phải cúng không?
Việc cúng lễ nên phải có sự thành tâm. Nếu không có ban thờ Bác Hồ, hay gia đình không có liệt sĩ, chúng ta vẫn có thể thắp hương để tưởng nhớ ông bà cha mẹ, những người đã sinh ra chúng ta, vất vả vì chúng ta.
Nhưng nếu không cúng trong ngày 2/9 cũng không sao miễn là chúng ta, những người con đất Việt luôn biết trân trọng những thành quả của những thế hệ cha anh, tiếp tục trân trọng và bảo vệ thành quả to lớn này.
Là những người được sống trong hòa bình, chúng ta luôn hiểu rằng thế hệ cha anh đi trước đã vất vả, hy sinh xương máu để thế hệ sau được sống yên vui, no ấm. Và mỗi năm khi đến ngày Quốc khánh 2-9, chúng ta có thể bỏ 1 chút thời gian để tìm hiểu về lịch sử đất nước, dân tộc và luôn tự nhắc nhở bản thân phải biết noi gương, phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước của các bậc cha anh đi trước. Đồng thời, chúng ta tiếp tục “rèn đức, luyện tài”, thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.
Ngay trong lúc này, chúng ta hạnh phúc được sống trong những ngày tháng hòa bình của đất nước. Nhưng vẫn còn đó 1 mối lo đó là dịch Covid-19. Hơn bao giờ hết, 2 tiếng Tổ Quốc thiêng liêng hơn tất cả. 76 năm về trước, ngày 2-9-1945, hàng triệu con dân đất Việt đã tạo nên 1 sức mạnh tổng hợp, và đó chính là cơ sở, là động lực để chúng ta – những thế hệ tương lai của đất nước tiếp tục cùng nhau tạo nên sức mạnh mới để bảo vệ Việt Nam khỏi các thế lực thù địch và chiến thắng được đại dịch Covid-19.