Quảng Bình: Hơn 1.000 ha sắn ngập úng cần thu hoạch ngay trong khi 2 nhà máy chế biến đang tạm dừng sản xuất

Hơn 1.000 ha sắn ở Quảng Bình cần thu hoạch ngay do mưa ngập úng. Trong khi đó, cả 2 nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh này lại chưa thể hoạt động do vướng mắc các thủ tục để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.

Những ngày này, do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều diện tích trồng sắn ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nên bị ngập úng. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đang thực hiện giãn cách nên việc thu hoạch, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. 

Hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo ưu tiên thu hoạch, tiêu thụ sắn nguyên liệu ở các vùng thấp trũng như vùng Chà Nòi, xã Xuân Trạch, các vùng thấp trũng tại Nam Trạch, Hòa Trạch, Phú Định. 

Cùng với đó, huyện cũng cho phép số ít người dân ra đồng thu hoạch, vận chuyển sắn nhưng phải chấp hành các quy định phòng chống dịch.

Với những diện tích ít bị ảnh hưởng do mưa bão thì sẽ thu hoạch dần. 

Tuy nhiên, hiện nay các nhà máy chế biến sắn trong tỉnh vẫn chưa hoạt động, người dân chủ yếu bán cho thương lái đi tiêu thụ ngoài tỉnh nên người dân cũng chưa thể tăng cường thu hoạch. 

Chia sẻ trên báo Nhân dân, ông Võ Văn Khánh ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch cho biết: Cuối tháng 8, nhà máy chế biến trên địa bàn đến đặt vấn đề mua sắn nguyên liệu với giá 2 triệu đồng/tấn, tương đương 40 triệu đồng/ha. Nhưng nay do dịch bệnh, nhà máy chưa hoạt động, bà con phải bán cho tư thương thu mua với giá 1,8 triệu đồng/ tấn.

Dù giá thành thấp nhưng ông và nhiều gia đình vẫn phải cố gắng thu hoạch sắn để tránh bị thối hỏng do ngập úng.

Hơn 1.000 ha sắn cần thu hoạch ngay do bị ngập úng
Hơn 1.000 ha sắn cần thu hoạch ngay do bị ngập úng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu nhưng hiện cả 2 đều dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng và mất nhiều thời gian làm thủ tục, cấp phép nên càng kéo dài thời gian tạm ngưng. 

Được biết, hiện nay giá tinh bột xuất khẩu cũng khá cao nên đây là cơ hội thuận lợi cho sản xuất. Tuy nhiên, những vướng mắc, lúng túng trong sản xuất đang dần đánh mất cơ hội cũng doanh nghiệp cũng như góp phần gây nên thiệt hại lớn cho người dân. 

Ông Lê Xuân Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình thông tin: Hiện trên toàn tỉnh có hơn 1.000 ha diện tích sắn nằm trong vùng thấp trũng cần thu hoạch ngay nhưng với tiến độ tiêu thụ thế này thì quá chậm, lại thiếu chủ động khiến nông dân lo lắng khi không kịp thu hoạch thì sắn sẽ bị thối củ, giảm năng suất, thậm chí để lâu có thể mất trắng. 

Trước những khó khăn này của người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Bình cần sớm có chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh để các doanh nghiệp đi vào sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu vừa hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản. 

Bởi khi tình trạng này càng kéo dài thì sẽ càng khiến cho người dân lo lắng, thiệt hại thêm. Cùng với đó, doanh nghiệp và tỉnh Quảng Bình sẽ khó có thể thực hiện mục tiêu kép như chủ trương của Chính phủ đề ra.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật