Không chỉ nhiều tháng qua mà hơn 2 năm dịch Covid-19 đã khiến giá thanh long rớt mạnh. Thời điểm dịch bệnh thì người dân không bán được hàng. Song đến những tháng gần đây thanh long lại gặp khó trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nguyên nhân là do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu vì dịch Covid-19. Hiện mỗi ngày tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn chỉ thông quan được 10 – 40 container, doanh nghiệp và thương lái không dám thu mua.
Do đó, giá thanh long tại các nhà vườn đang rớt mạnh, dao động chỉ từ 500 - 2.000 đồng/kg.
Với mức giá xuống thấp trong thời gian dài, thậm chí thương lái không mua, nhiều nhà vườn quyết định chặt cây, phá vườn thanh long vì không thể cầm cự thêm nữa.
Nhà vườn ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận cho biết, “gia đình đang thu hoạch khoảng 5 tấn thanh long, song cả tuần gọi mãi thương lái mới đến rồi trả giá 1.000 đồng/kg”.
Thậm chí có thương lái trả mua luôn cả vườn thanh long với giá 1 triệu đồng. “Cầm cự mãi, bán thì lỗ mà tiền vốn đầu tư nhiều nên gia đình quyết định chặt bỏ” – Nhà vườn buồn rầu nói.
Theo tìm hiểu, hơn 10 năm đầu tư cây thanh long, chưa năm nào nhà vườn ở huyện Hàm Tân chứng kiến giá thanh long xuống thấp suốt thời gian dài như hiện nay.
Thanh long rớt giá, càng đầu tư càng lỗ vốn, dù buồn và xót nhưng nông dân phải quyết định chặt bỏ cây thanh long ruột đỏ và trồng cây điều thế chỗ.
Đầu năm 2022 diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận là 33.750 ha, sản lượng 700.000 tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu chiếm 85% sản lượng và chủ yếu xuất qua Trung Quốc.
Khi thị trường Trung Quốc biến động, việc tắc biên diễn ra thường xuyên khiến bà con nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận, thanh long rớt giá không chỉ khiến người trồng gặp khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao. Nhiều doanh nghiệp đang có thanh long tồn kho và cửa khẩu lên đến hàng chục nghìn tấn.