Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 22/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.333,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), giữ đà đi ngang so với phiên hôm trước.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 19-25/8/2021 là 311,47 VND/IRN.
Cập nhật giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ, giao dịch ở mức từ 75.000 - 79.000 đ/kg tại các địa phương.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (75.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000 đ/kg); Bình Phước (78.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.000 đ/kg.
Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.000 đ/kg.
Qua hơn nửa tháng 8/2021 nhưng lượng tiêu xuất khẩu mới chỉ bằng 1/3 so với tháng 7/2021. Nguyên nhân 1 phần do giá cước vận tải biển đang quá cao.
Thời điểm này, không chỉ giá cước tàu biển cao mà còn rất khó đặt tàu bởi hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc đang gia tăng trở lại sau đại dịch, gây thiếu hụt tàu. Các hãng tàu ưu tiên vận chuyển về nước láng giềng thay vì chọn Việt Nam và các khu vực khác đang bùng phát dịch bệnh.
Theo ipcnet, giá tiêu đen và tiêu trắng của Việt Nam ổn định trong 2 tuần gần đây, sau khi tăng thêm 200 USD/tấn hồi đầu tháng.
Từ đầu tháng 8/2021, nhu cầu hạt tiêu từ Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Trung Đông có xu hướng tăng lên. Tuy giá cước vận tải biển tiếp tục tăng, đặc biệt đối với các tuyến đi Mỹ, nhưng nhu cầu từ thị trường này vẫn ở mức cao đối với các đơn hàng giao ngay và nhu cầu đặt hàng cho năm 2022.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục mua vào trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 để chuẩn bị cho lễ Quốc khánh của nước này (ngày 1/10).
Hiện nay tiêu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng tàu nhỏ, qua đường tiểu ngạch nên việc thiếu container không ảnh hưởng nhiều, nhưng giá cước vẫn tăng. Tuy vậy, việc thị trường Trung Quốc đang tăng mua là chỉ dấu tích cực cho giá tiêu.
Theo The Star, trên thị trường thế giới, giá tiêu nội địa Malaysia và giá tiêu toàn cầu đã tăng vọt do sản lượng giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.
Các nhà quan sát thị trường của Malaysia cho biết, thương nhân đang phải trả nhiều hơn giá thu mua trung bình của Hội đồng Hồ tiêu Malaysia (MPB) khoảng 17.500 Ringgit/tấn để có được hàng.
Theo đó, hạt tiêu trắng loại 1 Kuching hiện đang được giao dịch gần mức 30.000 Ringgit/tấn, cao hơn so với mức giá 27.000 ringgit/tấn do MPB công bố.
Trước đó, vào tháng 12/2020, giá thu mua niêm yết của MPB đối với hai loại tiêu đen và tiêu trắng lần lượt là 9.050 ringgit/tấn và 16.000 ringgit/tấn.