Chia sẻ với báo Vietnamnet, anh Nguyễn Thế Hải, chủ một trang trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) cho biết, 2 năm nay, nhà anh đã chuyển đổi sang mô hình chế biến cá hồi thành phẩm. Lý do là bởi từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa, đồng nghĩa với việc, lượng tiêu thụ cá hồi Sa Pa bị chững lại. Không những thế, giá cá hồi tươi bán tại các trang trại liên tục giảm. Ngày trước, một cân cá hồi tươi, ngon tại trại có giá 220.000 - 250.000 đồng/kg giờ chỉ còn 140.000 - 170.000 đồng/kg.
"Trung bình mỗi năm, nhà tôi xuất ra thị trường 30-40 tấn cá hồi, đó là chưa kể số cá mà các trang trại nuôi thuê cho nhà tôi. Nhưng từ khi dịch Covid-19 ập đến, do nguồn cầu giảm mạnh, tôi cũng đã giảm lượng cá nuôi và điều chỉnh lại mô hình kinh doanh cho phù hợp. Trong đó, tôi chuyển từ việc cung cấp cá hồi tươi sang thành chế biến các sản phẩm", anh Hải thông tin.
Theo anh Hải, việc chuyển đổi mô hình sẽ khiến giá cá hồi Sa Pa không bị ảnh hưởng hay chịu tác động quá lớn từ thị trường. Đặc biệt là các hộ chăn nuôi cá vẫn có lãi và giữ được giá cá trong ngưỡng có thể chấp nhận.
"Ngay sau đợt dịch đầu tiên, tôi đã bàn với vợ bỏ ra 3 tỷ đồng nhập các loại máy móc về để chế biến cá hồi chuyên sâu. Các sản phẩm chủ đạo là xúc xích, ruốc, giò chả, cá hồi hun khói. Tất cả được đóng gói, hút chân không theo quy chuẩn và xuất bán như các loại thực phẩm thông thường", anh Hải cho biết
Nhờ đó mà mỗi tháng, trang trại của anh Hải tiêu thụ từ 2 - 3 tấn sản phẩm cá hồi Sa Pa và thu lãi khủng. Không những thế, thị trường của mặt hàng này ngày càng được mở rộng. Nếu như trước, cá hồi tươi chỉ được tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn, chợ hải sản thì nay sản phẩm từ cá hồi có thể đi vào siêu thị, tiệm tạp hóa, chợ mạng và nhiều kênh phân phối.
Tương tự, chị Phạm Thị Mai - chủ một trang trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) - thông tin, các sản phẩm từ cá hồi của nhà chị bán rất chạy, thậm chí còn liên tục cháy hàng. Gần một tháng nay, nhà chị còn phải liên tục tuyển thêm nhân viên để làm thêm các công việc trong xưởng.
"Các sản phẩm từ cá hồi của nhà tôi bây giờ cung cấp từ Bắc vào Nam, ở đâu có nhu cầu là xưởng sẵn sàng cung cấp. Các sản phẩm được đóng gói, vận chuyển đến tận tay khách hàng thông qua các kênh phân phối hoặc trang bán hàng online. Hiện nay, nhà tôi có giò chả, xúc xích, ruốc và thịt hun khói cá hồi với giá dao động từ 350.000 - 800.000 đồng/kg", chị Mai cho hay.
Nhờ chế biến cá hồi thành sản phẩm nên các hộ nuôi không chỉ giải quyết tốt khâu tiêu thụ mà còn thu mua cá cho những nông dân với giá cao hơn so với thương lái.
"Tôi vẫn thu mua tại ao nuôi cho người dân từ 160.000 - 170.000 đồng/kg cá hồi. Nếu hàng đạt chuẩn, đúng yêu cầu, có bao nhiêu tôi thu mua hết vì xưởng cũng cần nguyên liệu để sản xuất", chị Mai chia sẻ.
Ngoài ra, chị Mai cũng tận dụng các phần thừa của cá như xương, đầu, mảnh vụ để gom bán cho các tiểu thương. "Thay vì bán cả con như ngày trước, giờ tôi sẽ cắt khúc, phi lê ra từng khúc nhỏ rồi đóng túi, hút chân không và chuyển cho khách. Với cách làm này, mọi người ai cũng được ăn cá hồi với mức giá hợp lý hơn", chị Mai lý giải và ước tính mỗi tuần đều tiêu thụ hết 2-3 tấn cá hồi, bao gồm cả cá mua từ các trang trại trong vùng.
Còn anh Tuấn, một người nuôi cá hồi ở Sa Pa cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà anh đã giảm số lượng cá nuôi xuống còn một nửa so với mọi năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các xe lên Sa Pa thu mua cá ít nên anh sẽ tập trung gom, tuyển hàng chất lượng bán với số lượng lớn thay vì bán lẻ. Còn đối với "khách ruột", khách lấy hàng với số lượng lớn và ở xa như Hà Nội, anh sẽ thuê xe chuyên dụng chở cá tới tận nơi, đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho khách.