Bình Thuận: Ngư dân không dám ra khơi vì dịch COVID, chi phí đánh bắt tăng cao giá bán rớt thảm

Phan Thiết đang tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, việc truy vết các trường hợp nghi nhiễm liên quan đến các chợ gần đây khiến người dân rất ngại đến chợ, người bán cũng thưa dần. Ngư dân hy vọng sẽ được hỗ trợ phần nào chi phí test nhanh để họ mạnh dạn vươn khơi giữa đại dịch Covid-19.

Từ khi TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) áp dụng Chỉ thị 16, ngư dân gặp rất nhiều trở ngại cho mỗi chuyến biển vươn khơi với rất nhiều thủ tục nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Hầu hết các ngư dân đều đồng tình và cố gắng vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, với chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao như hiện nay, lại thêm phí xét nghiệm nhanh cho các lao động trên tàu, khiến nhiều chủ tàu phải đắn đo…

Lượng hải sản dồi dào nhưng bí đầu ra, rớt giá thảm do dịch Covid - 19

Đội chi phí

Nhiều đợt xăng dầu tăng giá, thực phẩm cho mỗi chuyến biển lại tăng, nay thêm phí test nhanh cho bạn thuyền trước mỗi chuyến ra khơi đã làm nhiều ngư dân lo lắng vì không biết sản lượng đánh bắt có đủ trang trải chi phí không. 

Ngư dân Lê Phước (Đức Thắng) hành nghề lưới rút với hơn 10 lao động cho mỗi chuyến ra khơi. Khi được biên phòng cho phép đi đánh bắt trở lại, ông đã đăng ký với Cảng cá Phan Thiết trước khi xuất bến và bắt buộc phải test nhanh tất cả lao động trên tàu. 

Với phí test 320.000 đồng/người, ông Phước phát sinh hơn 3 triệu đồng/chuyến biển và sau khi tàu cập bến phải test lại vì giấy xét nghiệm nhanh chỉ có hiệu lực trong 3 ngày. 

Ông Phước cho biết: “Nghe tàu của ông anh báo về có nhiều cá, nên tôi đành bỏ thêm chi phí để ra khơi, nhưng về lâu dài phải suy xét kỹ. Với chi phí đội cao như hiện nay, đầu ra hải sản lại khó khăn nên nhiều ngư dân không mặn mà đi biển trở lại dù đang vào chính vụ cá nam”.

Hiện Phan Thiết đang tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn, việc truy vết các trường hợp nghi nhiễm liên quan đến các chợ gần đây khiến người dân rất ngại đến chợ, người bán cũng thưa dần. 

Vì thế, hải sản đánh bắt được thì rớt giá và khó bán hơn trước, chỉ có những công ty thu mua hải sản lớn có kho lạnh mới tích trữ ít nhiều. Ngoài ra, nhiều tiểu thương chuyên bán hải sản ở vùng lân cận như các chợ Hàm Hiệp, Sa Ra, Phú Long… cũng không vào được cảng Phú Hài, cảng Phan Thiết để thu mua như trước, khiến lượng hải sản đánh bắt dồi dào nhưng bí đầu ra.

BQL Cảng cá Phan Thiết cho biết, trong thời gian Phan Thiết đang giãn cách xã hội nên công tác kiểm soát dịch được siết chặt hơn. 

Trước khi tàu thuyền xuất/cập bến, chủ các phương tiện hoặc thuyền trưởng phải đăng ký hoạt động, báo trước 1 giờ với Chốt phòng chống dịch Cảng cá Phan Thiết, Trạm kiểm soát Biên phòng Phú Hải, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Né. 

Nộp danh sách thuyền viên và tất cả thuyền viên phải có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với Covid - 19 trong vòng 72 giờ… Mỗi ngày, có khoảng 30 lượt tàu cập cảng nhưng hiện nay các kho lạnh tại cảng đã hoạt động hết công suất. Vì vậy, tình hình dịch Covid -19 kéo dài, việc thu mua hải sản sẽ gặp nhiều khó khăn.

Giá nơi cao, nơi thấp

Vừa cập bến sau 2 ngày đánh bắt, ngư dân Trần Minh Hưng (phường Đức Long) chia sẻ: “Chúng tôi thu về vài tấn cá bạc má và nục gai, nhưng thương lái ít người mua vì không bán được ở các chợ. Chúng tôi bán tại cảng cá, bạc má chỉ được 40.000 – 50.000 đồng/kg, nục, ngừ chỉ còn 30.000 – 40.000 đồng/kg, giảm 15.000 – 20.000 đồng/kg so với trước giãn cách. Với chi phí chuyến biển tăng cao, thêm phí test nhanh mà giá hải sản giảm sâu kiểu này, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn”. 

Đặc biệt, đang vào chính vụ cá nam, lượng hải sản khá dồi dào, đặc biệt là cá cơm, nên vẫn được nhiều tàu hành nghề vây rút chì thường xuyên bám biển đánh bắt. Tuy nhiên, giá cá cơm giảm 50% chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 6.

Trong khi cảng La Gi bị phong tỏa, cảng Phan Thiết, Phú Hài đang giãn cách theo Chỉ thị 16 thì chỉ còn cảng Phan Rí Cửa hoạt động đánh bắt, thu mua vẫn nhộn nhịp và chưa bị ảnh hưởng nhiều. 

Tuy nhiên, do các tàu thuyền ở địa phương chủ yếu đi lưới hàng ngày, khuya đi trưa chiều vào nên lượng hải sản thu về không dồi dào. 

Thêm vào đó, ghe thuyền ở Phan Thiết muốn cập cảng Phan Rí Cửa bán hải sản cũng không được biên phòng nơi đây cho phép nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá hải sản ở Phan Rí Cửa tăng cao so với các nơi, bạc má được bán với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg, nục, ngừ có giá 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Mong rằng, chính quyền địa phương vừa chống dịch, vừa giúp dân phát triển kinh tế, có giải pháp nới lỏng “nút thắt” ở các cảng, để nguồn hàng hải sản thông thương hơn giữa các địa phương, không để nơi thiếu – nơi thừa. Và ngư dân hy vọng sẽ được hỗ trợ phần nào chi phí test nhanh để họ mạnh dạn vươn khơi giữa đại dịch Covid-19.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật