Zimbabwe phát hành tờ bạc 100 tỷ đô la, chỉ đủ mua 6 củ lạc
Nằm trong vùng lục địa phía đông nam châu Phi, là 1 quốc gia có nền công nghiệp khá phát triển, nền kinh tế của Zimbabwe chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, khai thác mỏ và sản xuất da thuộc. Zimbabwe nổi tiếng là nơi sản xuất da cá sấu chất lượng cao phục vụ cho ngành thời trang quốc tế.
Dù có nhiều tiềm lực như vậy song Zimbabwe lại phải trải qua một đợt siêu lạm phát vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng tiền rớt giá, phải bán theo cân như 1 mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch. Tiền ở đây bỗng chốc bị coi như “mớ giấy vụn”, có làm rơi trên đường cũng chẳng ai nhặt lên.
Thậm chí, tình trạng lạm phát mạnh mẽ còn dẫn đến sự xuất hiện của tờ tiền mệnh giá “khủng” - 100.000 tỷ dollar Zimbabwe. Đây được coi là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất thế giới.
Hơn một thập kỷ trước, do tốc độ tăng giá vượt khỏi tầm kiểm soát, mệnh giá tiền của Zimbabwe khi đó đã cao đến mức 100.000 tỷ đô la.
Trong tháng 7 vừa qua, Zimbabwe đưa vào lưu thông đồng tiền mới có mệnh giá cao nhất là 50 đô la. Với đồng 50 đô la Zimbabwe vừa phát hành, người dân chỉ có thể đổi lấy 6 xu Mỹ (tương đương 13.000 đồng) và thậm chí là 3,5 xu Mỹ ở thị trường chợ đen. Để mua một lon bia cao cấp trong siêu thị thì người dân phải chi đến 3 tờ 50 đô la.
Đây là đồng tiền mới nhất và có mệnh giá cao nhất trong loạt tiền được Zimbabwe giới thiệu từ tháng 2/2019 sau khi quay trở lại sử dụng nội tệ. Quốc gia này giao dịch bằng đồng đô la Mỹ từ năm 2009 do siêu lạm phát lên đến 500 tỷ phần trăm.
Với người dân Zimbabwe, giờ đây, đồng tiền của họ không còn mấy tác dụng, mà nếu có dùng vào việc gì đó thì cũng không phải là để mua sắm.
“Đồng tiền Zimbabwe từ lâu đã không còn giá trị nữa. Tôi sử dụng chúng để trang trí trên túi, ví và bán cho khách du lịch” - một người dân nói.
Venezuela: 1 ký thịt giá gần 9 triệu bolivar
Thay vì phải đếm từng đồng, nhiều cửa hàng ở nước này đã chuyển sang cân tiền. Lạm phát tại Venezuela đã khiến cho đồng Bolivar mất giá đến nỗi mỗi lần mua bán phải mang cả bao tải tiền. Bạn không tin, nhưng điều đó là thật. Từng là một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới, đồng Bolivar trở thành phiền toái với người dân. Khi đi siêu thị, người dân phải vác theo những túi tiền lớn. Họ cầm hàng bọc tiền khi đi mua một món đồ.
Tại các cửa hiệu, nhân viên thu ngân phải dùng tới những thùng lớn để đựng tiền bởi những ngăn kéo thông thường không còn đủ sức chứa.
(Nguồn video: Kênh VTV24)
Somaliland- Quốc gia đành phải bán tiền để kiếm sống
Người ta đi nước ngoài mua được vài đồng tiền về cho bạn bè là giỏi lắm rồi; còn tới Somaliland, cứ cầm cả bó tiền về phát cho người thân người quen rồi cho cả hàng xóm cũng không hết.
Nằm ở phía Bắc của lục địa châu Phi, Somaliland là một quốc gia không có trên bất cứ bản đồ thế giới nào. Đơn giản vì nó không được quốc tế công nhận dù đã công bố độc lập từ năm 1991 và người ta vẫn chỉ coi đó là một khu tự trị của Somalia.
Tuy nhiên, ở Somaliland có một điều đặc biệt mà chắc có tìm mỏi mắt, bạn cũng không tìm thấy ở đâu khác trên thế giới: những khu chợ đổi tiền mà người dân chất tiền thành đống để bán buôn, dễ mua chẳng kém gì thịt cá. Tiền chất thành bó, mua cả cân, cả tấn cũng được chứ chẳng ai bán lẻ vài tờ.
Tiền chất trên xe tải, trên xe đẩy cút kít, vứt thành đống trên những tấm bạt... rồi được người dân rao như rao hàng. Ở đây, tiền nhiều đến mức khéo có rơi vãi vài đồng ra đất cũng chẳng ai quan tâm lắm.
Tại quốc gia không chính thức này, đồng tiền chính là đồng Shilling Somaliland. Tuy nhiên, vấn đề đối với Shilling Somaliland là nó không được quốc tế công nhận, cũng như không có tỷ giá hối đoái chính thức. Chính vì vậy, đồng tiền Somaliland chẳng có mấy giá trị nên người dân chỉ muốn bán bớt để đổi lấy ngoại tệ.
Nếu đến Somaliland, đừng bỏ qua ngôi chợ Hargeisa - khu chợ buôn bán tiền duy nhất trên thế giới. Đồng tiền phổ biến tại quốc gia này là 1000 Schilling, tương đương với khoảng 14 cents. Chính vì thế, nếu bạn muốn đổi được 100 USD thì chắc mang cả bao tải đến mà cầm tiền về chứ không phải như thông thường.
Người bán tiền ở đây sẽ trao đổi đủ loại tiền cho khách, miễn là ngoại tệ. Phổ biến nhất là đồng USD. Hoạt động bán tiền ở đây nhộn nhịp tới mức người ta còn ví nó như Phố Wall của Mỹ. Trông thế thôi nhưng mọi thứ diễn ra ở đây khá an toàn, không cảnh sát cũng chẳng súng ống gì cả. Mỗi người bán như chủ một ngân hàng nhưng thay vì giữ tiền trong két thì người ta bó tiền như rau quả rồi bày la liệt trên sạp bán hàng.