Theo đó, ngoài Giấy đi đường, người dân Hà Nội ra đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Mẫu Giấy đi đường được thực hiện theo mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29.7.2021 của UBND Thành phố.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Biện pháp siết chặt đi lại được chính quyền đưa ra trong bối cảnh thành phố liên tục ghi nhận hàng chục ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng nhiều ngày gần đây.
(Nguồn video: Kênh VTC14)
Trong ngày 9/8, hiện tượng ùn ứ tại nhiều tuyến đường đã xảy ra. Theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu; có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo, lực lượng công an mới chỉ kiểm tra, nhắc nhở và nếu tiếp tục vi phạm vào hôm sau sẽ bị xử phạt.
Cũng chính vì sự cấp bách của giấy đi đường, ngày hôm qua 9/8, nhiều người dân Hà Nội đã phải đổ đến các phường để xin dấu. Thậm chí, do lượng người đến quá đông, nhiều phường ở Hà Nội đã phải làm việc thâu đêm. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm tại các điểm cấp giấy đi đường vì lượng người đến làm thủ tục đông.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định mới về "giấy thông hành" của Hà Nội nhiêu khê, nhất là trong giai đoạn giãn cách, không được tập trung đông người. Việc kiểm tra nhiều loại giấy tờ tại chốt cũng gây ùn ứ, nguy cơ lây lan dịch nếu không may ở đó có F0. Chưa kể chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách 2m, nhưng để kiểm tra đủ giấy tờ tại các chốt thì không thể thực hiện đúng yêu cầu.
Trước những phản ánh của người dân, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định việc siết chặt giấy đi đường là để bảo đảm an toàn, tính mạng nhân dân. Đồng thời, thành phố sẽ điều chỉnh việc kiểm tra giấy đi đường cho "thực chất và phù hợp hơn" nhằm tránh ùn ứ, tập trung đông người. Hiện tại, Đà Nẵng đang thực hiện rất tốt việc kiểm tra giấy đi đường. Theo phản ánh của người dân Đà Nẵng, họ đã dần quen với việc kiểm tra này. Còn lực lượng công an Đà Nẵng cho biết, việc siết chặt giấy đi đường khiến lượng người ra đường không có trường hợp cần thiết đã giảm nhiều hơn và thành phố không còn tình trạng sử dụng giấy đi đường sai mục đích.
(Nguồn video: Kênh VTC14)