Tình hình dịch bệnh thế giới: WHO cho rằng, tiêm chủng vaccine vẫn là yếu tố tiên quyết giúp thế giới kiểm soát đại dịch Covid-19

Các nước đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ngăn chặn virus lây lan và biến đổi. Với chương trình tiêm chủng nhanh chóng, một số nước đã bắt đầu tìm cách "chung sống" với Covid-19.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 360 ca mắc COVID-19 và 5.441 ca tử vong. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta đã cướp đi 10.000 sinh mạng ở Mỹ trong một tuần qua.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 228.744.404 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.697.787 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 361.591 và 5.413 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 205.362.408 người, 18.684.209 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.133 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 41.156 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (31.121 ca) và Anh (30.144 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 799 người chết; tiếp theo là Mỹ (578 ca) và Iran (355 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 42.841.063 người, trong đó có 691.291 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.447.010 ca nhiễm, bao gồm 444.869 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.102.536 ca bệnh và 589.744 ca tử vong.   

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 73.849.487 ca. Châu Âu đứng thứ hai với 57.473.575 ca nhiễm. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là hơn 51 triệu ca trong khi ở Nam Mỹ là hơn 37 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn nhưng số ca nhiễm cũng đã lên tới hơn 8,2 triệu ca và châu Đại Dương có hơn 200.000 ca nhiễm.

Xét theo số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với  1.201.834 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.145.510 ca. Con số này ở châu Á và Bắc Mỹ là hơn 1 triệu ca. 

Mỹ: Làn sóng lây nhiễm tăng mạnh do biến thể Delta

Theo kênh ABC News, làn sóng lây. nhiễm tăng mạnh do biến thể Delta trong mùa hè đã gây tổn thất nặng nề cho nước Mỹ. Thống kê của trường Đại học John Hopkins cho thấy, trên 672.000 người Mỹ đã tử vong do COVID-19. Hơn 10.000 người đã tử vong trong một tuần tính đến ngày 17/9.

Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc. 

Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế. 

Tờ Washington Post dẫn nguồn tin cho biết Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có kế hoạch mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine để hỗ trợ các nước và tại hội nghị có thể sẽ hối thúc các nước khác cũng làm điều tương tự. 

Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Mỹ đang chịu áp lực phải giúp đẩy nhanh độ phủ tiêm chủng toàn cầu. Đến nay Mỹ đã hỗ trợ cho các nước 140 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và sẽ phấn đấu để có thể hỗ trợ khoảng 500 triệu liều trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, giới chuyên gia mong muốn Chính quyền Tổng thống Biden không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ vaccine mà còn thúc đẩy tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu.

Biện pháp khôi phục kinh tế ở Anh

Ngày 17/9, Anh đã công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch nước ngoài, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp". Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.

Nhật Bản áp dụng biện phá điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Chính quyền tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản cho biết sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị “hỗn hợp kháng thể” cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi cùng ngày Bộ Y tế Nhật Bản thông báo cho phép áp dụng biện pháp điều trị này với các bệnh nhân tự cách ly tại nhà. 

Biện pháp điều trị dùng “hỗn hợp kháng thể” được Nhật Bản phê chuẩn hồi tháng trước, theo đó bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại thuốc để khống chế virus SARS-CoV-2. Khi đó, biện pháp này chỉ được giới hạn áp dụng cho bệnh nhân nằm viện hoặc điều trị ngoại trú. 

Bộ Y tế cho biết để điều trị tại nhà bằng phương pháp này, phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi được truyền tĩnh mạch. Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng Pfizer Inc. và Moderna Inc. Tuy nhiên, ngày 23/8, MHLW bắt đầu cho phép sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca Plc để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên. 

Campuchia cân nhắc tiêm mũi vaccine thứ 4 

Ngày 18/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 7 ca tử vong và 648 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 160 ca nhập cảnh. Tính đến hôm nay, nước này ghi nhận tổng cộng 103.482 bệnh nhân COVID-19, trong đó 96.767 người đã khỏi bệnh và 2.096 người tử vong.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết giới chức y tế đang cân nhắc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ tư cho người dân, dựa vào nghiên cứu và diễn biến của dịch bệnh trong nước. 

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 10/2, đến nay hơn 70% dân số khoảng 16 triệu người của Campuchia đã được tiêm. Cụ thể, tính đến ngày 17/9, đã có 9.815.350 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 8.819.139 người đã hoàn thành 2 mũi tiêm. Trong khi đó, 1.725.316 thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi và 67.477 trẻ từ 6-12 tuổi tại nước này đã được tiêm phòng COVID-19.

 

Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này sẽ có ít nhất 9 triệu liều vaccine để tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho người dân và tính đến ngày 16/9, Campuchia đã tiêm mũi tăng cường thứ ba cho trên 800.000 người. 

 

Làn sóng dịch bệnh căng thẳng ở Lào

Ngày 18/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 466 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 383 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số lượng ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận tại Lào kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Bộ trên thông báo số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành, trong đó thủ đô Viêng Chăn có số ca tăng đột biến cao nhất từ trước tới nay với 264 ca. Nghiêm trọng nhất là ổ dịch tại một nhà máy may mặc ở thủ đô Viêng Chăn khi có tới 247 công nhân đã cho kết quả dương tính trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, tình hình dịch tại các tỉnh khác của Lào vẫn diễn biến phức tạp, đáng chú ý, trong 24 giờ qua, ngoài các tỉnh ở Trung và Nam Lào vẫn ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng cao trong thời gian qua như Champasak, Savannakhet, Khammuan…, tỉnh Luang Prabang, Bắc Lào, cũng ghi nhận số ca tăng đột biến với 30 ca trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 18.813 ca, trong đó có 16 người tử vong.

 

Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021 sau khi chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Lào cũng thông báo sẽ tiêm cho các học sinh lớp 12 (17 tuổi) để đảm bảo an toàn cho các em trong các kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây có lẽ là một ngoại lệ vì trước đó, giới chức nước này thông báo sẽ chỉ tập trung tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi trong năm 2022, sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng đáng kể trong nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên.

Biện pháp nới lỏng của Thái Lan để xác định "sống chung" với COVID-19

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung với COVID-19.

Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp “bong bóng và niêm phong” cũng như những kế hoạch “hộp cát” để làm phương tiện cho phép công chúng cùng tồn tại với COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động theo các biện pháp y tế công cộng cho đến khi tình hình được cải thiện.

 

Các nhà chức trách Thái Lan hiện đang cân nhắc đề xuất mở cửa trở lại 5 tỉnh trong tháng tới. Thủ đô Bangkok được dự kiến mở cửa từ 15/10, trong khi các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ mở cửa sớm hơn từ 1/10. Đề xuất này dự kiến sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 24/9 và Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) vào ngày 29/9.

Tuy nhiên, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang hôm 17/9 khẳng định thành phố này sẽ chưa mở cửa trở lại cho đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số để đảm bảo có đủ khả năng miễn dịch. 

 

Singapore đảm bảo an toàn cho học sinh trong kỳ thi cuối cấp

Theo thông báo ngày 18/9 của Bộ Giáo dục Singapore, các trường tiểu học của nước này sẽ chuyển sang học trực tuyến trong vòng 10 ngày. Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi quốc gia của các em học sinh lớp 6 trong bối cảnh Singapore ghi nhận 935 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 17/9, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. 

Cụ thể, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ học trực tuyến trong thời gian từ ngày 27/9 đến ngày 6/10. Trong khi đó, các em học sinh lớp 6, cuối cấp, sẽ nghỉ học một số ngày từ ngày 25/9 trước khi bước vào kỳ thi cuối cấp. Mục đích của biện pháp này là nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại trường học và giảm số học sinh phải cách ly.   

Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing nêu rõ: “Trong lúc kỳ thi cuối cấp tiểu học quốc gia (PSLE) đang đến gần, chúng tôi sẽ thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ học sinh, đối tượng vẫn chưa được phép tiêm vaccine, để các em và phụ huynh học sinh yên tâm”.

Việc số ca nhiễm tăng trở lại sau khi nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đã buộc Singapore tạm dừng mở cửa thêm nữa. Hiện hơn 80% dân số Singapore đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo kế hoạch, nước này sẽ tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi từ đầu năm 2022.

 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật