Nhận định của WHO
Theo số liệu thống kê, đến hôm nay 9/9, tổng số ca mắc virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 223.258.459 ca, trong đó có 4.607.801 người tử vong.
Dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu, tập trung nhiều ở các nước đông dân cư, châu Á và châu Âu là 2 khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ chiếm giữ vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Tính đến nay, sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 41.316.328 ca mắc và 670.624 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 441.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 584.628 ca tử vong.
Nhiều nước đang phải căng mình chống lại sự ảnh hưởng của biến thể Delta. Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... đều đưa ra quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch. Nhật Bản tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại 19 tỉnh đến ngày 30/9. Philippines tiến hành tái phong toả thủ đô Manila và lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm “phong tỏa quy mô hẹp hơn”, nỗ lực kiềm chế đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận và cấp độ 3 ở các khu vực khác thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10 để ngăn ngừa dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong dịp Trung thu, tránh để người dân chủ quan, lơ là phòng dịch...
Một số quốc gia sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine cho trẻ em như: Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine phòng chống COVID-19 cho trẻ em từ 2-11 tuổi với loại vaccine tự sản xuất Soberana 2; hay Bộ Y tế Slovakia thông báo chính phủ nước này đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, chương trình sẽ được triển khai kể từ ngày 9/9...
Trước tình hình dịch bên vẫn diễn ra căng thẳng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các khu vực phát triển và đang phát triển, giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Theo Tiến sĩ Ryan, virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.
Hiện nay, vaccine hiện vẫn được coi là vũ khí tối thượng để phòng chống COVID-19, tuy nhiên nhiều quốc gia, khu vực người dân còn chưa được tiếp cận đến vaccine phòng ngừa Covid-19. Ấn Độ và Nam Phi là hai quốc gia đi đầu trong chiến dịch kêu gọi thay đổi các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình dễ dàng sản xuất và bán với giá rẻ hơn các loại vaccine COVID-19 do các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia bào chế như vaccine của hãng Pfizer. Đầu năm nay, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch trên và cho rằng cần có "các biện pháp đặc biệt" để tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ấn Độ phát hiện các triệu chứng mới ở bệnh nhân nhiễm COVID-19
Theo trang Economic Times đưa tin ngày 7/9, các chuyên gia Ấn Độ cho biết đang ghi nhận ngày càng nhiều những triệu chứng mới xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19. Các triệu chứng mới được ghi nhận bao gồm: giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da.
Tiến sĩ Samir Bhargava, chuyên gia bệnh viện RN Cooper, cho biết: “Hiện tượng viêm dây thần kinh thính giác hoặc cục máu đông do nhiễm virus ảnh hưởng tới thính giác tương tự như khứu giác”.
Trong một nghiên cứu khác liên quan, các bác sĩ đã đưa ra một phát hiện đáng lo ngại: Một số bệnh nhân có kết quả âm tính sau thời gian ngắn điều trị, nhưng họ không cảm thấy khỏe hơn. Hội chứng này được gọi là "Covid kéo dài".
Các nhà khoa học và những nhóm hỗ trợ bệnh nhân đang cùng đi tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này để phát triển các phương pháp chữa hiệu quả. Một số biểu hiện của hội chứng COVID kéo dài gồm: Mệt mỏi, sương mù não (lú lẫn, mất khả năng tập trung), khó thở, tức ngực, rối loạn thần kinh, nhịp tim nhanh.
Trong khi số ca mắc mới do biến thể Delta tăng trên toàn cầu, các chuyên gia thế giới lại tiếp tục cảnh báo về biến thể khác có tên Mu. Ngày 6/9, giới chuyên gia y tế Malaysia cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể này vì nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vaccine ngừa COVID -19. Biến thể Mu, còn được gọi là biến thể B.1.621, lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1.
Điểm nóng dịch bệnh ở châu Á
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Philippines là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 12.700 đến 37.800 ca. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 37.875 ca. Đến nay, châu Á có tổng cộng 71,85 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,06 triệu ca tử vong do COVID-19.
Khu vực Đông Nam Á (Asean) có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Myanmar và Việt Nam trong 24h qua. Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tại Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia. Hiện quốc gia này đang phải chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 237.510 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.920 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 10,6 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 9,4 triệu trường hợp.