Tình hình dịch bệnh thế giới 24h qua: Biến thể Delta tái xuất hiện trong cộng đồng ở Trung Quốc

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 12.9 thông báo Trung Quốc ghi nhận 46 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 11.9. Kết quả giải trình tự gene một số ca nhiễm mới, cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan là biến thể Delta. Ca nhiễm F0 đầu tiên được xác định là một người trưởng thành, nhập cảnh từ Singapore.

Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh Phúc Kiến

Theo ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 12/9 thông báo Trung Quốc ghi nhận 46 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 11/9.Trong đó có 20 ca trong cộng đồng. Hôm 10/9, Trung Quốc chỉ mới ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn nửa tháng kiểm soát dịch thành công. Ổ dịch Covid-19 hiện tại chủ yếu tập trung ở huyện Tiên Du, tỉnh Phúc Kiến, với 6 người trong hai gia đình dương tính với Covid-19, bao gồm 3 trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 12.

Kết quả giải trình tự gene một số ca nhiễm mới, cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan là biến thể Delta. Ca nhiễm F0 đầu tiên được xác định là một người trưởng thành, nhập cảnh từ Singapore. Người này đã cách ly ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến trong 14 ngày sau khi nhập cảnh, có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp, rồi trở về huyện Tiên Du, thành phố Phủ Điền.

Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát thành công đợt dịch do biến thể Delta và là quốc gia đầu tiên làm được điều này.

Sau khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, tỉnh Phúc Kiến đã huy động đội ngũ bác sĩ và y tá để xét nghiệm đại trà ở thành phố Phủ Điền. Giới chức thành phố ngày 12/9 ban hành một loạt các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, gồm đóng cửa rạp chiếu phim, quán bar và bảo tàng, siết chặt di chuyển.

Quốc gia tiêm chủng hàng đầu hủy kế hoạch "hộ chiếu vaccine"

Bộ trưởng Y tế Anh thông báo chính phủ đã hủy bỏ kế hoạch yêu cầu người dân xuất trình “thẻ xanh Covid-19” khi tới các địa điểm đông người.

Trước đó, chính phủ Anh khẳng định chương trình “thẻ xanh Covid-19” sẽ bắt đầu được áp dụng từ cuối tháng này. Anh là một trong những quốc gia đi đầu trong chiến lược chung sống với Covid-19.

Trả lời trên đài BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói chính phủ không xem việc áp dụng chính sách "thẻ xanh Covid-19" là cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, khi tỉ lệ tiêm vaccine ở Anh tương đối cao. "Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng... và tôi vui mừng thông báo rằng chúng ta sẽ không tiếp tục các kế hoạch liên quan đến thẻ xanh Covid-19", ông Javid nói. “Chúng tôi sẽ coi đây là kế hoạch dự phòng tiềm năng”.

Bộ trưởng Y tế Anh nói ý tưởng về việc phải xuất trình giấy tờ chứng minh tiêm chủng tại các địa điểm giải trí và những nơi đông người khiến ông cảm thấy không thoải mái. Một số người phản đối gọi việc làm này là vi phạm quyền tự do dân sự. Bộ trưởng Y tế Anh cũng bày tỏ hy vọng rằng Anh sẽ không phải phong tỏa thêm bất kỳ lần nào khác để ngăn chặn dịch COVID-19. Ông khẳng định chính phủ tất nhiên vẫn sẽ thận trọng và có một số biện pháp hạn chế sẽ vẫn được duy trì, đặc biệt là trong các hoạt động đi lại. 

Hiện Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho hơn 80% người dân trên 16 tuổi và dự kiến sẽ sớm công bố quyết định về việc có tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi hay không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố các bước đi mới tại Đại hội đồng LHQ

 

Theo đó, ổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố các bước đi mới nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch COVID-19 trước khi Đại hội đồng Liên hợp Quốc nhóm họp. Đây là thông báo của Tổng Y sĩ Vivek Murthy ngày 12/9. Kỳ họp tiếp theo của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ khai mạc ngày 14/9. Phiên thảo luận toàn thể đầu tiên sẽ diễn ra vào tuần kế tiếp.

Phát biểu với CNN, ông Murthy cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm mở rộng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều biện pháp nữa, đặc biệt là trên mặt trận toàn cầu”. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể các biện pháp mới là gì. 

 

Tình từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc cao nhất với trên 41,8 triệu ca và gần 678.000 ca tử vong. Cho đến nay, mới chỉ có hơn 53% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, tức khoảng 2/3 số người trưởng thành, trong khi nước này hiện ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này cho thấy những người chưa tiêm chủng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 11 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ.

Australia nghiên cứu thuốc điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc COVID-19

 

Theo đó, loại thuốc điều trị hiệu quả nhất, dễ sử dụng nhất hiện nay là Dexamethasone, một loại thuốc chống viêm. Loại thuốc này hiện đang được sử dụng thường xuyên cho những người mắc COVID-19 phải nhập viện, cần phải thở oxy. Các loại thuốc khác cũng được sử dụng bao gồm Remdesivir, Tocilizumab và một vài loại khác, tất cả đều có bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Trong khi Remdesivir và Dexamethasone vốn được bào chế để điều trị các bệnh khác, nhưng được chuyển đổi mục đích sử dụng để điều trị COVID-19, đã có những loại thuốc điều trị mới đang cho thấy những kết quả hứa hẹn.

Tháng trước, Cơ quan Quản lý y tế Australia đã phê duyệt Sotrovimab, một liệu pháp kháng thể đơn dòng bắt chước hệ thống miễn dịch của cơ thể người và ngăn chặn hoặc làm chậm lại sự phát triển của virus SARS-CoV-2, không cho chúng nhân lên trong cơ thể. Cơ quan Thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 của Australia (ASCOT) đang đánh giá một loại thuốc mới khác, có tên là Nafamostat, hiện được sử dụng ở Hàn Quốc và Nhật Bản cho các mục đích điều trị khác. Các thí nghiệm cho thấy loại thuốc này có khả năng chống lại virus SARS COV-2 rất mạnh. ASCOT hy vọng khi được sử dụng ở người, Nafamostat sẽ có tác dụng trực tiếp đến virus, ngăn chúng tái tạo.

Malaysia đang thực hiện kế hoạch phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn

Ngày 12/9, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 592 ca tử vong - mức cao nhất trong một ngày từ trước đến nay, đưa tổng số người không qua khỏi tại quốc gia Đông Nam Á này lên 20.419. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 19.550 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 19.53 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.960.500 ca. 

Trong một diễn biến khác, từ ngày 3/10 tới, Bộ Giáo dục Malaysia sẽ thực hiện hệ thống đến trường luân phiên theo tuần đối với học sinh tiểu học và trung học để các em có thể trở lại trường học.

Philippines vẫn là điểm nóng dịch bệnh lớn nhất ở Đông Nam Á

 

Philippines lại đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại, liên tiếp dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới trong ngày. Sau khi lập kỷ lục ca mắc mới kể từ khi dịch bùng phát, với 26.303 ca trong ngày 11/9, ngày 12/9, Philippines lại ghi nhận số ca nhiễm mới đứng đầu các nước ASEAN, với 21.441 ca.

Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do đại dịch COVID-19.

Sắc lệnh của Tổng thống Duterte cũng lưu ý tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.

Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 10/9, Philippines đã ghi nhận 2.179.770 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.899 ca tử vong.

Lào đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới

Theo Bộ Y tế Lào, số ca cộng đồng trong một vài ngày gần đây tại nước này đã tăng lên 3 con số. Đáng chú ý, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận gần đây là cán bộ ở các trung tâm y tế, công an, quân đội hoặc người quản lý trung tâm cách ly; một số khác là người lao động từ tỉnh khác về quê, được xác định dương tính sau đó. Cụ thể, ngày 12/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 217 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 121 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 17.357 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Luang Prabang cũng đã có cuộc họp khẩn để xem xét các biện pháp phản ứng với tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Tỉnh Salavan ở miền Nam Lào thiết lập các chốt kiểm soát giao thông nhằm tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về đi lại và phòng dịch của người dân sau khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng.

Campuchia đẩy mạnh tiêm chủng thần tốc để mở cửa

Điều bất ngờ, bằng việc tận dụng nguồn vắc-xin dồi dào từ Trung Quốc, Campuchia đã biến Phnom Penh thành thủ đô có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với khoảng 99% người trưởng thành được tiêm đủ hai mũi.

Campuchia là một trong những quốc gia đầu tiên nhận viên trợ vắc-xin COVID-19 từ Trung Quốc vào đầu năm 2021. Tính đến tuần trước, quốc gia Đông Nam Á này đã nhận tổng cộng gần 30 triệu liều vắc-xin thông qua mua và tài trợ, phần lớn trong đó là vắc-xin của Trung Quốc (Sinopharm và Sinovac, hai loại vắc-xin sử dụng công nghệ bất hoạt truyền thống).

Sau bảy tháng triển khai chương trình chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc, đã có hơn 11,4 triệu dân Campuchia (tương đương gần 70% dân số) được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, và gần 57% được tiêm đủ liều. Đáng chú ý, chỉ sau 42 ngày triển khai tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi, đã có tổng cộng 1,7 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên ở Campuchia (trên tổng số gần 2 triệu em) được tiêm vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc để chuẩn bị đi học trở lại từ ngày 15/9.

Campuchia dự kiến sẽ hoàn thành chương trình phủ vắc-xin của mình sớm hơn tám tháng so với kế hoạch, theo tờ Khmer Times. Trong vòng một tuần trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Campuchia dao động ở khoảng 500-600 ca, với khoảng dưới 20 ca tử vong/ngày.

 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật