Dịch bệnh thế giới: Tình hình mở cửa ở một số quốc gia

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành và gây ra những tác động và thiệt hại vô cùng to lớn, kể cả người, vật chất lẫn tinh thần, các nhà khoa học đã đưa ra những nhận định về thời gian COVID-19 kết thúc. 

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 527.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 227,7 triệu ca, trong đó trên 4,68 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 126.000 ca), Ấn Độ (34.649 ca) và Brazil (34.407 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.704 ca),  Mexico (897 ca) và Nga (794 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca mắc COVID-19 lần lượt là trên 42,6 triệu ca, 33,3 triệu ca và 21 triệu ca. 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới nằm rải rác trên khắp các châu lục. 

Các nhà khoa học cho rằng khác với những đại dịch trước đây, COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới, mà cần nhiều thời gian hơn, dù rằng nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai và thu được hiệu quả đối với chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giới khoa học đều cho rằng đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi hầu hết dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh. Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine COVID-19. 

Tổng thống Nga, ông Putin gửi thông điệp tới nhân dân toàn quốc khi đang tự cách ly

Ngày 16/9, trước thềm cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga sẽ diễn ra từ ngày 17-19/9, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu trên truyền hình gửi tới nhân dân nước này khi ông đang tự cách ly do tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Theo nhà lãnh đạo Nga: "Thế giới ngày nay rất phức tạp, nó đang thay đổi nhanh chóng, đôi khi không thể đoán trước được. Đương nhiên, điều đó tạo ra những thách thức mới nhưng cũng mở ra những triển vọng rộng lớn nhất"

Theo đó, cần có sự phối hợp của nhà nước, xã hội và người dân để đáp ứng những thách thức và sử dụng hiệu quả các triển vọng này.

Ông Putin nhấn mạnh: "Cần có một quốc hội mạnh mẽ, có thẩm quyền và các nhà lập pháp mới của Duma Quốc gia phải làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân Nga, sẵn sàng đảm bảo lợi ích quốc gia trên tất cả lĩnh vực một cách kiên quyết và nhất quán".

Trong bối cảnh chỉ còn một ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử, Tổng thống Putin đang phải tự cách ly do một số nhân viên trong đoàn tháp tùng ông bị mắc Covid-19. Điện Kremlin cho hay, ông Putin vẫn khỏe mạnh và chỉ số kháng thể trong cơ thể ở mức cao. Tuy nhiên, thời gian ông Putin kết thúc cách ly sẽ phải phụ thuộc vào đánh giá của các chuyên gia và bác sĩ phụ trách chăm sóc ông.

Phát biểu qua kết nối video tới một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) được tổ chức tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, Tổng thống Putin bày tỏ rất tiếc phải hủy bỏ chuyến thăm Dushanbe vào phút chót do nhiều người trong đội ngũ nhân viên của ông mắc COVID-19. Ông xác nhận "không chỉ một hoặc hai người mà là vài chục người”.

Italy có kế hoạch ban hành luật bắt buộc tất cả người lao động sử dụng "thẻ xanh"

 

Theo luật mới dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 15/10, người lao động không tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 gần đây sẽ bị phạt tiền lên tới 1.000 euro. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các trường hợp này còn có thể bị sa thải. 

“Thẻ xanh” là một hình thức chứng nhận một cá nhân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ trước đó hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong thời gian gần đây. Hiện Italy yêu cầu xuất trình loại thẻ này đối với giáo viên cũng như tất cả những người đến nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động, đi tàu hoặc xe buýt liên tỉnh hay bay nội địa.

Hiện có hơn 40 triệu người Italy được tiêm chủng đủ liều vaccine COVID-19, chiếm khoảng 75% dân số trên 12 tuổi. Chính phủ nước này hy vọng có thể tăng tỷ lệ chủng ngừa thêm 4 triệu người. Trong khi đó, các công đoàn kêu gọi chính phủ cấp phép xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho những người lao động chưa được tiêm phòng.

Số ca tử vong ở Ukraine tăng vọt

 

Bộ Y tế Ukraine ngày 16/9 cho biết nước này ghi nhận 118 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt ngưỡng 100 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng 6 vừa qua.

Bộ trên cũng cho biết có 5.744 ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong một ngày qua, tăng mạnh so với 4.640 ca ghi nhận 24 giờ trước đó. Như vậy, tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Ukraine tính đến ngày 16/9 lần lượt là 2,33 triệu ca và 54.651 ca. Với dân số 41 triệu người, Ukraine là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Số ca mắc mới đang có chiều hướng gia tăng trong vài tuần gần đây, do đó chính phủ nước này tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế trong tương lai gần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Trước đó, Ukraine dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa khi số ca bệnh giảm trong mùa Hè, song vẫn áp đặt cảnh báo "màu vàng" trên toàn quốc, hạn chế các sự kiện tập trung đông người và giới hạn công suất hoạt động của các phòng tập thể thao, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm khác.

Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội

 

Thủ tướng Suga cho biết Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người đăng ký. Trên cơ sở đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân, mở đường cho việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội như ăn uống, tổ chức sự kiện, du lịch…

Tuy nhiên, trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Nhật Bản tái tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp thì việc nới lỏng này sẽ phải tạm dừng, thậm chí các biện pháp phòng dịch có thể được tăng cường hơn nữa nếu cần thiết.

Cùng ngày, ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, nhận định nước này đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao hệ thống y tế đang trong tình trạng quá tải

Với việc hệ thống y tế vẫn đang quá tải bệnh nhân COVID-19, phần lớn các địa phương của Nhật Bản sẽ vẫn áp dụng tình trạng khẩn cấp cho đến hết ngày 30/9. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 50% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Mỹ tăng cường siết chặt chương trình tiêm chủng

 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn lây lan trên khắp nước Mỹ, giới chức hạt Los Angeles  ngày 15/9 đã ban hành quy định chỉ những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mới được tới các quán rượu và câu lạc bộ đêm. Quy định có hiệu lực từ tháng 10 tới.

Theo quy định của Sơ y tế Los Angeles, những người tới tụ điểm giải trí nêu trên phải cung cấp chứng nhận đã tiêm chủng trước khi vào cửa, cũng giống với việc trình thẻ căn cước để đảm bảo người tới đây đủ tuổi theo quy định pháp luật.

Cũng theo quy định mới ban hành, người tham gia các sự kiện ngoài trời có quy mô hơn 10.000 người cũng phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc có kết quả xét nhiệm âm tính. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, hạt Los Angeles đến nay vẫn đang áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại phần lớn các sự kiện trong nhà hoặc một số hoạt động ngoài trời.

Tháng trước, thành phố San Francisco cũng yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng vaccine khi ăn tối tại các nhà hàng hoặc tới các khu vui chơi giải trí. Chính quyền thành phố New Orleans ngay sau đó cũng công bố quy định tương tự.

Hiện còn một bộ phận người dân Mỹ không đi tiêm chủng vaccine. Mặc dù việc tiêm chủng miễn phí và giới khoa học khẳng định vaccine có hiệu quả cao trong phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm hoặc biến chứng nặng ỏ người mắc COVID-19, hiện chỉ có 54% người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan tại Mỹ.

Cuba xin cấp phép 2 loại vaccine tại WHO

Cuba ngày 15/9 thông báo sẽ xúc tiến quy trình xin cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 Abdala và Soberana tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục đích sớm thương mại hóa rộng khắp 2 loại vaccine này. Dự kiến, trong ngày 16/9, các chuyên gia của Cuba, Mỹ và WHO sẽ nhóm họp trực tuyến bàn về quy trình.

Trong nước, Cuba đã sử dụng hai loại vaccine nói trên tiêm chủng cho người dân, bao gồm cả trẻ nhỏ. Chương trình tiêm chủng của Cuba còn sử dụng vaccine Sinopharm. Hiện có 38,5% dân số Cuba được tiêm chủng. 

Singapore cố gắng chung sống với Covid-19

 

Chính phủ Singapore từ tháng 6 năm nay đã công bố chiến lược “chung sống với Covid-19”, nhằm kiểm soát dịch bệnh thông qua tiêm chủng và khống chế số ca nhập viện, thay vì hạn chế cuộc sống của người dân. “Covid-19 có thể không bao giờ biến mất và chúng ta phải học cách chung sống bình thường với virus”, các quan chức chống dịch hàng đầu ở Singapore, nói. Singapore bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ tháng 8, cho phép người tiêm chủng đầy đủ được dùng bữa tại nhà hàng, tụ tập theo nhóm 5 người.

Nhưng số ca nhiễm tăng mạnh trong thời gian qua do biến thể Delta, đang khiến Singapore phải hoãn kế hoạch nới lỏng thêm. Giới chức Singapore cảnh báo về việc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nếu các ổ dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Singapore ngày 14.9 đã ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày cao nhất sau hơn một năm. Số ca bệnh nặng hiện vẫn ở mức thấp nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao.

Tính đến nay, hơn 81% người dân Singapore đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Đây là cơ sở để nước này theo đuổi chiến lược “chung sống bình thường với Covid-19”.

Nam Phi: Dỡ bỏ hạn chế, nhưng biến thể Delta vẫn là mối đe dọa

 

Nam Phi đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, khi tỉ lệ lây nhiễm ở quốc gia châu Phi này giảm dần.

Giờ giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc ở Nam Phi đã được rút ngắn xuống còn từ 11 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng, quy mô của các cuộc tụ tập đông người đã tăng lên 250 người trong nhà và 500 người ngoài trời. Các hạn chế đối với việc bán rượu đã được giảm bớt.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố các biện pháp nới lỏng trên vào ngày 12.9. Nam Phi từng là quốc gia áp đặt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, cấm tất cả các cuộc tụ tập đông người, trừ đám tang. Ông khuyến khích người dân tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp hạn chế còn lại cho đến khi quốc gia trở lại bình thường hoàn toàn.

Chile công bố kế hoạch đón du khách trở lại

 

Chile là quốc gia Nam Mỹ được quốc tế ca ngợi vì chiến dịch tiêm chủng thành công và suôn sẻ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, gần 87% người dân đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chile cũng bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho những người được tiêm chủng đầy đủ. Cơ quan y tế Chile ngày 16.9 phê duyệt sử dụng vaccine Sinovac cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và sẽ bắt đầu tiêm chủng từ tuần tới.

Chile là quốc gia Nam Mỹ được quốc tế ca ngợi vì chiến dịch tiêm chủng thành công và suôn sẻ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, gần 87% người dân đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chile cũng bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho những người được tiêm chủng đầy đủ. Cơ quan y tế Chile ngày 16.9 phê duyệt sử dụng vaccine Sinovac cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và sẽ bắt đầu tiêm chủng từ tuần tới.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật