Ông Lê Văn Phong, ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm vừa chuyển hơn 8.000 trái dừa xiêm xanh (dừa uống nước) từ nhà đến vựa dừa thu mua.
Ông Phong cho hay, dừa xiêm xanh của gia đình đã đến lứa bán, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, thương lái, nhân công không thể vào tận vườn thu mua nên ông phải tự hái dừa rồi chuyển xe ra cho thương lái.
Ông Phong vui mừng khi có thương lái thu mua dừa vì nếu trái dừa khô sẽ không bán được và cây dừa sẽ bị ảnh hưởng năng suất cho các đợt hái tiếp theo. Ông mong muốn, các ngành chức năng hỗ trợ để cho thương lái, nhân công đến vườn thu mua dừa khi vì nhiều hộ dân trong vùng vận chuyển khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Đạt, chủ vựa thu mua dừa xiêm xanh ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc vận chuyển dừa đến các tỉnh rất khó khăn, giá thu mua cũng không có lãi.
Nhưng, để hỗ trợ phần nào khó khăn của người nông dân trong mùa dịch, ông vẫn thu mua cho các hộ dân thường xuyên bán cho ông. Tuy nhiên, vựa dừa của ông chỉ thu mua được cho các hộ dân trong xã và các hộ dân tự chở dừa tới nên lượng thu mua chỉ được hơn 40% số hộ dân trước đó. Ông Đạt hy vọng, nếu được hỗ trợ thu mua ngoài xã, vận chuyển thuận lợi sẽ nâng cao hiệu quả tiêu thụ dừa trong thời gian tới.
Theo bà Trần Thị Nương, thương lái thu mua dừa khô nguyên liệu tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, để hỗ trợ người dân, bà đã lập đội thu mua dừa tại các hộ dân đã bán cho bà trước đây.
Bà Nương chia sẻ, đội thu mua không tổ chức hái dừa, chỉ thu mua cho người dân đã hái sẵn rồi bán lại cho các công ty sơ chế để đảm bảo phòng dịch. Trường hợp nhà vườn không có điều kiện hái sẵn thì để thu mua sau vì dừa khô nguyên liệu thời gian trữ lâu, ít bị hỏng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết, kinh tế của người nông dân của xã chủ yếu nhờ vào cây dừa với 1.900 ha.
Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ dừa, xã Châu Bình thành lập 16 tổ thu mua là các thương lái thu mua dừa trước đây. UBND xã tạo điều kiện các tổ thu mua xét nghiệm COVID-19, cấp giấy thông hành di chuyển nội bộ trong xã để mua dừa của người dân.
Sau đó sẽ có công ty đến thu gom về nhà máy sản xuất. Các tổ thu mua đảm bảo thự hiện nghiêm quy định 5K, địa phương sẽ kiểm tra thường xuyên và yêu cầu các tổ thu mua không tiếp xúc trực tiếp với nhà vườn.
Hiện tại xã Châu Bình chưa phát hiện F0 trong cộng đồng, là "vùng xanh" đảm bảo dịch bệnh. Do đó, địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động hái dừa; tự sử dụng lực lượng lao động của gia đình, không thuê nhân công thu hái để đảm bảo phòng dịch hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, tỉnh có hơn 74.000 ha dừa, chủ yếu là dừa khô nguyên liệu với 20% diện tích dừa uống nước.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động thu mua và cung ứng nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa. Do vậy, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân tiêu thụ được dừa, nhất là dừa uống nước.
Bởi, dừa uống nước thu hoạch theo chu kỳ, nếu để quá lứa sẽ không bán được và ảnh hưởng đến các kỳ cho quả sau đó. Riêng dừa khô nguyên liệu, ngành chức năng có phương án đến từng địa phương, tổ chức các tổ hỗ trợ thu mua cho người dân để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, dừa khô nguyên liệu có khả năng dự trữ tốt, ít bị hỏng nên khuyến khích người dân kéo dài thời gian thu hoạch mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến, các doanh nghiệp luôn đảm bảo an toàn phòng dịch; tuân thủ yêu cầu tổ chức "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp, cở sở kinh doanh thu mua, đảm bảo đạt hiệu quả trong mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.