Từ đầu tháng 6, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh thành, hiện chưa có dấu hiệu chững lại, các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá theo từng ngày. Dù hiện các mặt hàng đang dần ổn định nhưng mặt bằng chung vẫn cao so với thời điểm trước dịch.
Người dân mua hàng ngao ngán khi nhiều loại thực phẩm bị hét giá cao. Điển hình một bó rau có thể tăng 30 – 40% giá tiền trong khi tình hình nông sản tại các nhà vườn tồn đọng, khó tiêu thụ, phải hái bỏ…Đáng chú ý, giá cả tăng đột biến nhưng chất lượng không đảm bảo như trước dịch.
Nhiều hộ chăn nuôi phía Nam cho biết giá heo hơi bán ra tại chuồng hiện từ 48.000 - 52.000 đồng/kg, tùy loại, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với hơn 2 tháng trước đó. Nhưng giá về tay người khi mua thịt heo dao động từ 160.000 – 220.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp tại các trại ở các tỉnh phía Nam vẫn ở mức khá thấp với 15.000 - 17.000 đồng/kg. Theo ghi nhận, tại nhiều siêu thị, giá thịt gà công nghiệp bán ra từ 60.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại (gấp 4-5 lần giá gà xuất chuồng).
Với thực phẩm rau củ quả Đà Lạt, các mặt hàng như bắp cải, cà tím, su su, củ dền, cà chua... được các thương lái thu mua ở mức thấp với 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá bán lẻ tại các chợ mạng, siêu thị vẫn ở mức 25.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với đầu tháng 5/2021.
Riêng với thủy hải sản, tại các tỉnh ĐBSCL, giá hải sản giảm khoảng 50% các loại, cá đồng giảm còn 20.000 đồng/kg, cá bớp 90.000 đồng/kg. Giá hàu ở Vân Đồn trước bán ở mức 20.000 đồng/kg nay rớt xuống chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg tại vựa….
Tuy vậy, dạo quanh các chợ online, hội nhóm, siêu thị…giá các mặt hàng trên vẫn treo cao. Giá tăng nhiều so với giá người nông dân bán ra.
Công ty Ba Huân (TP.HCM) đang bán từ 23.000 - 25.000 đồng/chục trứng gà (không vỉ đựng). Tuy vậy, không ít chợ mạng, tạp hóa đang bán lẻ với mức 36.000 - 45.000 đồng/chục trứng tùy loại.
Nguyên nhân vì sao giá tăng cao?
Theo ý kiến chuyên gia từ các Hiệp hội, giá vận chuyển tăng gấp đôi, giá giết mổ cho gấp đôi bình thường lên 200.000 đồng/con, chi phí xét nghiệm tài xế, chi phí ăn ở 3 tại chỗ là những nguyên đẩy giá thị trường tăng cao so với giá mua tại vườn.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang gánh chịu nhiều chi phí phát sinh như lao động thực hiện "3 tại chỗ", xét nghiệm COVID-19, phụ phẩm như đầu, lòng heo hầu như không bán được, chi phí duy trì hệ thống, tất cả chi phí doanh nghiệp phải cộng dồn vào giá bán cũng gây ảnh hưởng.
Nhiều siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm hiện nay không lãi nhiều, thậm chí thua lỗ vì các chi phí phát sinh để duy trì hệ thống đang tăng gấp đôi so với bình thường.
Ngoài ra, trên thị trường chợ mạng hiện nay, nhiều người bán lẻ đang cố tình đẩy giá thực phẩm lên cao do biết được nhu cầu mua hàng của người dân tăng mạnh trong lúc giãn cách xã hội. Sở Công thương khuyến khích người dân nên mua hàng tại các siêu thị có niêm yết giá, hoặc liên hệ địa phương nếu có nhu cầu đi chợ hộ, tránh trường hợp mua sản phẩm trên mạng với giá cao nhưng nhận lại hàng kém chất lượng.
Đại diện Cục quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán tại các chợ, cửa hàng và xử lý những trường hợp nâng giá bán không hợp lý các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để trục lợi.