Từ 6h ngày 6-9 đến 6h ngày 21-9, thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại 3 vùng: Vùng 1 - khu vực đô thị trung tâm; Vùng 2 - phía Bắc, Đông sông Hồng; Vùng 3 - phía Tây, phía Nam thành phố.
Vấn đề về hàng hoá thiết yếu cũng được nhiều người dân quan tâm, ghi nhận tại một số chợ, siêu thị trong phân vùng 1 trên địa bàn thành phố như các chợ: Trung Hòa, Trung Kính (quận Cầu Giấy); 8-3, Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng); Thành Công (quận Ba Đình)…; và hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích: VinMart, VinMart+, Big C, Sói Biển, Bác Tôm, Tomita, Ecofood… hàng hóa dồi dào, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh phong phú, giá không tăng, lượng người mua không đông.
Cụ thể, giá rau cải 5.000 đồng/mớ; mướp 8.000 đồng/kg (như ngày thường); bí xanh 25.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước 8.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg; giá thịt lợn 110.000 - 140.000 đồng/kg… tùy loại; thịt bò có giá từ 180.000 - 230.000 đồng/kg…
Trong khi đó, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Vinmart Hoàng Đạo Thúy, VinMart+, Big C, Co.opmart Hà Nội, Tomita, Sói Biển…, lượng khách đến mua sắm bình thường. Các siêu thị đều cho biết, ngoài việc mở cửa cho người dân đến mua sắm trực tiếp, còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến. Thực phẩm liên tục được nhân viên các siêu thị bổ sung lên kệ.
Tại các siêu thị Big C, VinMart, Hapro đều đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa. Các mặt hàng được bổ sung nhiều là rau xanh, thịt lợn… với giá cả ổn định. Giá gạo tám thơm Điện Biên ở mức 21.500 đồng/kg; gạo thơm lài 21.000 đồng/kg; bí xanh 15.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg…
Trao đổi với báo chí, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart Miền Bắc cho biết, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo phân vùng, hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị các phương thức cung ứng hàng hóa phù hợp.
Cụ thể, xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động bình thường theo luồng xanh. Nhân viên của hệ thống sẽ hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3, bao gồm cả làm việc và vận chuyển các đơn hàng online đến người dân.
Tại các vùng cách ly y tế, VinMart/VinMart+ đã chuẩn bị các phương án để cán bộ nhân viên thực hiện 3 tại chỗ tại siêu thị, cửa hàng đảm bảo cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội, cho biết, kho hàng của doanh nghiệp ở Bắc Ninh và siêu thị trong nội đô Hà Nội đều đã tăng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 - 5 lần. Doanh nghiệp đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.
Hiện tại, hệ thống Siêu thị Co.opmart khá thuận lợi khi tất cả cán bộ nhân viên và siêu thị đều ở vùng 1. Việc vận chuyển từ kho hàng tại Bắc Ninh sang cũng theo xe luồng xanh nên không có vướng mắc gì. Tất cả cán bộ, nhân viên của Co.opmart Hà Nội đã có giấy đi đường. “Đến giờ này chưa có vấn đề gì nảy sinh do xe vận chuyển hàng hóa vẫn theo luồng xanh, nhưng sau 1 - 2 ngày nữa áp dụng Giấy đi đường có mã QR thì không biết có phát sinh vướng mắc gì hay không”, bà Dung cho biết.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để người dân tham gia mua sắm trực tuyến.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ. Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ô tô) và cấp giấy đi đường cho phương tiện xe máy.