Giải pháp nào để kiểm soát việc giá gas tăng liên tục?
Trao đổi với PV Báo Tiền phong, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến nay, giá gas thành phẩm tương đương với mức giá xăng dầu tăng ở ngưỡng khoảng 180 USD/thùng. Việc giá gas liên tục tăng do tác động rất lớn của giá thế giới; bị gián đoạn nguồn cung sản phẩm cùng với chi phí logistics bị đẩy lên rất cao, tăng 5-6 lần so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19 xuất hiện. Khi những mặt hàng liên quan đến tiêu dùng tăng mạnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI các tháng còn lại cuối năm.
Việc giá tăng do hiện nay nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới rất lớn. Khi các quỹ, nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn có các hoạt động đầu cơ, giá thế giới lập tức có biến động rất mạnh.
“Giá gas hiện không được quản lý như giá xăng dầu. Các doanh nghiệp kinh doanh chỉ cần kê khai giá với Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính. Do không chịu sự quản lý theo Luật Giá nên giờ tính đến bình ổn giá cũng không thể thực hiện được do đã thực hiện theo cơ chế thị trường”, vị này cho hay.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ diễn ra tuần trước, đại diện nhiều bộ ngành đã có ý kiến về việc nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh. Đại diện Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã đề xuất các giải pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm và năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài.
Giá gas trong nước
Với gas Saigon Petro có giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 343.500 đồng/bình 12 kg. Các hãng khác như Gas Pacific Petro, City Petro, ESGas công bố giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá quá 366.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự gas Total có giá bán lẻ đến người tiêu dùng 360.000 đồng/bình 12kg. Gas Petrolimex Sài Gòn tại TP.HCM giá bán lẻ đến người tiêu dùng 341.000 đồng/bình 12kg.