Thống kê từ Bộ Công Thương, trong tháng 9 cả nước đã xuất khẩu thành công 530.000 tấn gạo, trị giá 261 triệu USD.
Theo đó, tính tổng 9 tháng 2021, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 2,3 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL, nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần đây tăng là do Chính phủ tăng mua dự trữ quốc gia đã kích thích tăng giá trong nước lẫn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu gạo đã tăng trở lại từ đầu tháng 9 đến nay khi các nước bắt đầu quá trình hồi phục sau dịch Covid-19. Hơn nữa, nguồn cung gạo từ Ấn Độ bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 433-437 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với mức giá hồi giữa tháng 8/2021.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 384-388 USD/tấn, giảm 21 USD/tấn so với hồi giữa tháng 8.
Còn gạo Ấn Độ vẫn giữ ở mức 368-372 USD/tấn; trong khi gạo Pakistan hiện có giá 378-382 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn.
Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam hiện cũng "bỏ xa" các đối thủ.
Trước những thuận lợi này, các doanh nghiệp đang cố gắng để đưa mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,2 tỷ USD có thể hoàn thành trong quý IV năm nay.
Tại thị trường trong nước, giá lúa và gạo đều tăng. Các địa phương vùng ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông 2021. Mặc dù giá lúa chưa được cải thiện nhiều, nhưng trong vụ sản xuất thời tiết thuận lợi, khi thu hoạch các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, việc đi lại, tiêu thụ lúa thuận lợi hơn… nên bà con nông dân vẫn có lợi nhuận dù không cao.
Sản xuất lúa của vùng ĐBSCL cả năm 2021 ước diện tích đạt hơn 3,9 triệu ha (giảm 56,2 nghìn ha), năng suất ước đạt 62,2 tạ/ha (tăng 2,1 tạ/ha) và sản lượng ước đạt hơn 24,3 triệu tấn, tăng 510 nghìn tấn so với cùng kỳ 2020.