Sở Công thương TP.HCM đề nghị UBND Thủ Đức và các quận huyện chủ động xây dựng phương án hoạt động các chợ, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm.
Hiện tại đã có 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đi vào hoạt động. Mỗi ngày có khoảng 300 tấn hàng về các chợ này để phục vụ người dân trên địa bàn TPHCM.
Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Tới sáng ngày 28/9, ngoài các giải pháp đi chợ, nhiều dự án đã thực hiện việc phân phối hàng hóa đến tay người dân.
Điển hình như dự án Chợ Nghĩa tình, đã tiếp nhận và xử lý thành công 27.272 đơn hàng của 17.613 lượt hộ dân, ước tính gần 9,5 tỉ đồng. "Siêu thị 0 đồng" đã hỗ trợ khoảng 63.000 hộ, tổng giá trị trao tặng gần 20 tỉ đồng.
Theo lộ trình dự kiến mở cửa của TP.HCM (sau ngày 1/10), nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa được tạo điều kiện thông thoáng hơn, nhu cầu “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục giảm, khả năng gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn.
Bên cạnh đó, do hầu hết các tỉnh, thành phố đã nới lỏng điều kiện giãn cách từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 nên đường đi của hàng hóa từ vùng nuôi trồng, nhà máy sản xuất về TP.HCM đã được khai thông gần như hoàn toàn.
Các mặt hàng trái cây, do các tỉnh, thành phố phía nam, ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ nhiều chủng loại nên sản lượng nhiều, giá giảm. Hàng hóa dự kiến sẽ vô cùng dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân.