Tại miền Bắc, lựu là một loại quả khá đặc biệt có hương vị thật sâu lắng, khi bổ ra màu đỏ và rất đẹp mắt. Quả lựu có hình khá đặc biệt, có người thì ví nó giống như những chiếc đèn lồng treo trong gió vậy. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Với màu đỏ đẹp mắt, quả lựu đã gợi cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ, nhà văn.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
(Truyện Kiều)
Hay lựu cũng gắn liền với tuổi thơ của nhiều bạn nhỏ:
Em trồng cây lựu xanh xanh
Cuốc kêu chưa dứt mà cành đầy hoa
Hoa lựu như lửa lập loè
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)
Cứ từ tháng 4 đến tháng 9 là vào mùa lựu. Theo các nghiên cứu, lựu rất có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với bà bầu và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người khi mua về lại cho rằng bổ lựu rất khó bởi có nhiều múi, khó tách. Food Review sẽ gợi ý cho bạn cách bóc lựu khá nhanh và đơn giản.
Chọn lựu:
Chọn loại hạt nhỏ lép, thịt mọng dày, quả to mọng tầm 3-4 lạng 1 quả. Giá lựu này đắt hơn lựu thường nhưng ăn khá ngon, giá 75.000đ/1kg. Lựu thường loại hạt to ở chợ là 25.000đ/1kg.
Bổ lựu từ phía tai quả:
Dùng dao rạch bỏ phần vỏ thành hình ngũ giác lựa theo múi quả. Lúc này sẽ lộ ra vách lụa ngăn hạt bên trong, dùng mũi rao rạch tiếp vỏ dọc theo các rãnh này. Rồi lật ngược quả gõ gõ mạnh vào cuống quả để hạt dễ rơi ra.
Tách lựu:
Giờ thì dễ rồi. Cứ việc bửa quả ra thành từng phần, lộn ngược vỏ, bóc bỏ vách lụa trong quả là hạt rơi ra.
(Nguồn video: Hoa quả Ưu đàm)
Bạn có thể dùng lựu để làm nước ép và hoặc ăn trực tiếp luôn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, quả lựu có chất ngăn ngừa ung thư, giúp ổn định huyết áp, giàu vitamin C và đặc biệt rất tốt cho phụ nữ mang thai. Thậm chí, những ai đau dạ dày có thể tăng cường ăn loại quả này. Ngoài ra, từ thời cổ đại, nước lựu đã được sử dụng để điều trị tiêu chảy và kiết lỵ do lựu có khả năng làm tăng sản xuất cácenzyme hỗ trợ tiêu hóa.
Hi vọng rằng những gợi ý của Food.com.vn sẽ giúp bạn có cách bổ lựu thông minh và đơn giản trong mùa lựu. Chúc các bạn thành công!